Vì sao chúng ta ngứa?

Thứ Sáu, 27/12/2024, 17:28 [GMT+7]
In bài này
.

Trong cuộc sống, chắc hẳn chúng ta ít nhiều cũng đã từng bị ngứa. Ngứa có thể xuất hiện ở một chỗ nào đó trên da hoặc một mảng da và thậm chí là ngứa toàn thân. Nguyên nhân gây ngứa có thể do côn trùng cắn, dị ứng với thức ăn, hóa chất hoặc do bệnh lý. Nó đôi khi chỉ thoáng qua nhưng cũng có thể kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày…

Nổi mẩn đỏ, ngứa toàn thân do dị ứng.
Nổi mẩn đỏ, ngứa toàn thân do dị ứng.

Nguyên nhân gây ngứa toàn thân

Với những người da khô, ngứa hầu như không đi kèm với nổi mẩn đỏ mà nguyên nhân là do thay đổi thời tiết (mùa đông, mùa hanh khô), có thói quen tắm nước nóng, uống không đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (trung bình khoảng từ 1,5 lít vào mùa lạnh hoặc 2 lít vào mùa nóng), da bị lão hóa sớm do thường xuyên sử dụng những loại mỹ phẩm kém chất lượng hoặc lão hóa do tuổi già.

Với ngứa do dị ứng, có nhiều nguyên nhân như dị ứng thuốc chữa bệnh - nhất là với những loại thuốc kháng virus, dị ứng thức ăn, dị ứng mỹ phẩm, dị ứng hóa chất, dị ứng mùi, dị ứng sương mù... Đặc điểm của dạng này là hầu như ngứa toàn thân với những mảng đỏ mà ta gọi là “nổi mề đay”, đôi khi kèm theo khó thở, chảy nước mắt, nước mũi… Với những người có tiền sử bệnh suyễn thì thường kèm theo cơn hen phế quản, dễ dẫn đến suy hô hấp nếu không được cứu chữa kịp thời.

Ngoài ngứa dị ứng, ngứa còn do mắc phải bệnh vảy nến, bị nhiễm nấm, bị bệnh ghẻ, bị giun sán, bị viêm nang lông, viêm tuyến bã nhờn, bị bệnh tổ đỉa, suy giảm chức năng thận khiến các độc tố không đào thải hết ra ngoài theo nước tiểu, các bệnh lý về gan như xơ gan, gan nhiễm mỡ, rối loạn chức năng gan, ngứa do di chứng của bệnh giời leo (zona)... Bên cạnh đó, ngứa còn do mắc bệnh tiểu đường, rối loạn tuyến giáp (cường giáp hoặc suy giáp), thay đổi lượng nội tiết tố (hormone) trong cơ thể phụ nữ khi bước vào giai đoạn mãn kinh, mang thai gây ra hiện tượng rối loạn tuần hoàn, ngứa ở cơ quan sinh dục do nhiễm nấm. Một số bệnh xã hội cũng có thể gây ngứa toàn thân như HIV, bệnh giang mai, bệnh lậu.

Điều trị và phòng ngừa 

Có nhiều loại thuốc chữa cơn ngứa, nhưng khi chưa tìm ra được lý do gây ngứa thì không nên tự ý sử dụng mà hãy đến các cơ sở y tế thăm khám. Tại đó, sau khi làm các xét nghiệm để xác định, ví dụ như ngứa do dị ứng thời tiết, hóa chất, côn trùng đốt, giun sán…, bác sĩ sẽ cho thuốc nhằm loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng. Nếu do các bệnh về gan thì người bệnh sẽ được điều trị các bệnh này. Nếu do tiểu đường thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân các biện pháp nhằm ổn định đường huyết…

Mặc dù đã chữa trị và đã hết ngứa, nhưng trong một số trường hợp, ngứa vẫn có thể tái xuất hiện. Nếu ngứa do thời tiết, ngứa do thức ăn, hóa chất nên cẩn thận khi tiếp xúc với chúng, chẳng hạn như không ăn cá ngừ nếu đã bị ngứa do cá ngừ, không đến gần thợ sơn khi họ đang làm việc, không vào những căn phòng mới sơn nếu đã dị ứng với mùi sơn, mặc quần áo che kín thân thể, đội mũ, đeo khẩu trang, mắt kính khi ra ngoài trời có sương mù nếu đã từng dị ứng với sương mù, uống đủ nước nếu ngứa do da khô. Khi đã bị ngứa, không nên tắm nước nóng vì sẽ khiến các mạch máu nhỏ dưới da giãn ra, cơn ngứa sẽ tăng lên mà chỉ nên dùng khăn tẩm nước lạnh chườm lên vùng da đang ngứa. Hạn chế gãi đồng thời cắt ngắn móng tay nếu cần phải gãi để tránh nhiễm trùng vết gãi, nhất là với trẻ em thường gãi do phản xạ.

Ths, Bs CK2 NGUYỄN VĂN ÚT

;
.