Uống một ly dễ đi một đời

Thứ Sáu, 27/12/2024, 18:05 [GMT+7]
In bài này
.

Uống rượu có chứa Methanol rất dễ bị ngộ độc. Khi chất này vào cơ thể sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng về đường hô hấp, não, thị giác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nhiều nguy cơ tử vong, hoặc để lại những di chứng nặng nề.

Bệnh nhân K.S., đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa).
Bệnh nhân K.S., đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa).

Sau một tuần điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa), song bệnh nhân K.S., (24 tuổi, phường 11, TP.Vũng Tàu) vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến về sức khỏe. Đây là 1 trong 4 nạn nhân ngộ độc rượu có chứa Methanol sau khi uống rượu tại một quán bánh canh trên địa bàn phường 11. Mỗi  người uống khoảng 500ml rượu. Trong đó, trường hợp K.S., bị ngộ độc rượu ở mức nặng nhất.

Điều đáng tiếc, khi có dấu hiệu mệt mỏi, khó thở, người bệnh không vào bệnh viện mà tự truyền dịch ở nhà. Chỉ đến khi lên cơn co giật, người cứng, nạn nhân mới được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Vũng Tàu. Sau đó, tình trạng bệnh trở nặng, người bệnh ngưng tim, ngưng thở và được nhân viên y tế hồi sức nên có nhịp tim và mạch trở lại.

Bác sĩ Văn Viết Thắng (Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, bệnh nhân K.S., được lọc máu liên tục, sử dụng thuốc vận mạch, cho thở máy, nhưng người bệnh bị tổn thương nghiêm trọng về não, hô hấp, tim mạch… nên đến nay trường hợp này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, tiên lượng xấu. Hậu quả của việc này là do nạn nhân sử dụng lượng rượu nhiều, trong rượu có Methanol, người bệnh vào viện trễ.

Theo bác sĩ, Methanol hay còn được gọi là cồn công nghiệp. Đây là một chất lỏng, trong suốt, không màu, thường được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, làm dung môi  hòa tan các chất hữu cơ, vô cơ hay chiết xuất các loại dầu. Trên thị trường, Methanol có trong các dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh. Tuy nhiên, chất này có độc tính cao, không được dùng để chế biến rượu. Vì Methanol phổ biến trong đời sống, giá thành rẻ nên nhiều người buôn bán, sản xuất rượu đã lợi dụng dùng chất này chế biến rượu để kiếm lời.

Khi rượu có chứa Methanol đi vào cơ thể sẽ chuyển thành axit formic gây độc cho tất cả các tế bào. Trong đó, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở thị giác, não bộ, thận, tiêu hóa, tim mạch, toan chuyển hóa nặng, đe dọa tính mạng người bệnh. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong.

Dấu hiệu ngộ độc rượu có Methanol thường xuất hiện 30-60 phút sau khi uống, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn hơn tùy thuộc vào số lượng rượu mà bệnh nhân đã uống. Biểu hiện ban đầu là bệnh nhân ói, đau bụng, đau đầu, sau đó tụt huyết áp, mờ mắt, khó thở, diễn biến nặng co giật, gây ngưng tim, ngưng thở, hôn mê. Người uống rượu có chất Methanol nhiều thì khả năng diễn biến bệnh trở nặng càng nhanh. Bệnh nhân vào viện trễ, khiến công tác điều trị gặp khó khăn, cơ hội cứu sống người bệnh thấp. Trường hợp ngộ độc nặng, nếu may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác. 

Bác sĩ Văn Viết Thắng cho rằng, để phòng ngừa độc rượu, tốt nhất không nên uống rượu hoặc hạn chế uống. Trong trường hợp phải sử dụng rượu, người dân cần sử dụng rượu chất lượng ở các cơ sở sản xuất uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Không uống rượu tự pha chế, tự ngâm với lá, rễ cây, động vật,... mà không rõ thành phần, xuất xứ hay công dụng. Lái xe, người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người bị ứng với bia, rượu thì không nên uống rượu. Không uống rượu có hàm lượng Methanol, không nhãn mác hay loại rẻ tiền. Ngoài ra, người dân không uống rượu khi đang đói. Không uống rượu kèm với các loại nước có ga. Không uống rượu khi đang sử dụng các loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết.

“Mỗi người chỉ nên uống 1 ly rượu mỗi ngày để bảo đảm sức khỏe. Sau khi uống rượu nếu xuất hiện các triệu chứng như nôn ói, đau bụng, mờ mắt, khó thở cần vào viện sớm để được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Văn Viết Thắng khuyến cáo.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.