Dân gian có câu "Trời đánh tránh bữa ăn”, ngụ ý rằng bậc làm cha mẹ đừng la mắng con cái trong những bữa ăn. Vậy mà thực tế lại khác xa, những câu la mắng con từ miệng người cha, người mẹ vẫn hiện diện, tồn tại ở không ít bữa cơm gia đình.
Khi bữa cơm gia đình rộn ràng tiếng cười, tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ càng thêm ấp áp! |
Ăn không vô, nuốt không trôi vì bị la
Vừa bưng chén cơm định gắp thức ăn, Hà Linh (17 tuổi) đã bị ba buông giọng cau có, la mắng xối xả: "Tao nói rồi, năm nay phải thi sư phạm. Không có kinh tế, ngoại thương gì cả. Học ở tỉnh cho gần nhà chứ không có vô thành phố gì cả".
Cha vừa dứt lời, bà mẹ liền "chêm" vào: "Con cái nuôi tốn cơm tốn gạo, nuôi cho lớn rồi nói hoài không nghe. Phải học sư phạm!".
Nữ sinh chỉ kịp nói: "Nhưng mà..." thì đã bị cha mẹ cắt lời, mắng la dồn dập: "Không có nhưng nhị chi cả. Nói là phải nghe. Cấm cãi". Lúc này, nữ sinh buông đũa bỏ vào phòng riêng trong đôi mắt ngấn lệ.
Đó không phải là lần duy nhất người viết chứng kiến những câu chuyện cha mẹ tận dụng khoảng thời gian bữa ăn gia đình để mắng la con cái. Dù còn là học sinh, sinh viên hay đã đi làm, dù là người trẻ đã có vợ/chồng hay chưa lập gia đình... thì cũng từng một vài lần, thậm chí vô số lần bị cha mẹ chửi la té tát ngay trong bữa ăn nên họ "ăn không vô, nuốt không trôi". Nguyên nhân bị la thì vô vàn, thường là do bị điểm kém, không lo làm ăn, lương thấp, thậm chí lớn tuổi nhưng chưa có người yêu… cũng bị chửi.
Đa số những bạn trẻ được hỏi về cảm giác khi bị cha mẹ la mắng trong bữa cơm đều cho rằng họ cảm thấy sợ hãi những bữa ăn. Vì họ biết, trong giây phút sum họp đáng lẽ phải đầm ấm ấy, họ sẽ phải "chịu trận" những bức bối bực bội từ phụ huynh. Cũng có người trẻ chia sẻ thật rằng họ khổ sở, chán chường vì những khoảnh khắc ăn cơm cùng cha mẹ. Thậm chí có người trẻ rơi vào cảnh stress nặng mà nguyên nhân là vì họ phải "ăn" chửi tả tơi trong bữa ăn ở nhà.
Bữa cơm là để sum vầy
Người Việt vốn rất coi trọng bữa cơm gia đình, những việc không hay thường sẽ không được đem ra nói trong bữa cơm, bởi như thế sẽ phá hỏng không khí ấm cúng, sum họp của mọi người, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của các thành viên. Những lúc như vậy, câu cửa miệng “Trời đánh tránh bữa ăn” ngụ ý nhắc nhở ai cũng nên kiềm chế lại, tránh nói ra những điều không hay trong bữa ăn, vốn là thời gian cả gia đình nên vui vẻ, tận hưởng cùng nhau.
Dẫu biết rằng cha mẹ được phê bình con cái khi con cái làm sai, phạm lỗi... nhằm giúp con cái tốt hơn. Nhưng đâu nhất thiết phải lựa chọn thời điểm mắng la ngay trong bữa ăn? Bởi khi cha mẹ mắng trẻ trong lúc ăn sẽ tạo ra những cảm xúc tiêu cực. Thử hình dung khi bạn vừa khóc vừa ăn thì món ăn đó liệu có còn ngon nữa hay không, và trẻ cũng cảm thấy y hệt như vậy.
Không chỉ có thế, về lâu dài, việc bị mắng còn tạo tâm lý nặng nề cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Lâu dần, con sẽ sợ bữa ăn, cảm thấy mệt mỏi, cố tình tránh né ăn uống cùng cha mẹ, dần dần mỗi quan hệ giữa cha mẹ và con cái sẽ trở nên căng thẳng hơn.
Nên chăng, đã đến lúc những người làm cha làm mẹ biết rằng giáo dục con cái là việc làm cần thiết, song cũng đòi hỏi phải đúng chỗ, đúng thời điểm. Tuyệt đối, không nên mắng mỏ trẻ trong bữa ăn, bởi như vậy không những không hiệu quả mà còn làm mất bầu không khí vui vẻ của thời điểm sum họp quý giá.
Từ sự quan trọng của bữa cơm gia đình, là người làm cha mẹ, bạn nên cố gắng kiềm lòng, đừng phê bình con cái ngay trong bữa ăn nữa. Có gì cần góp ý, phê bình con trẻ thì hãy cứ để dành sau bữa ăn. Cùng với đó là cha mẹ nên chủ động tạo cảm giác vui vẻ, thân tình để những bữa ăn được trả về đúng nghĩa ban đầu, là những phút giây vui vẻ, ấm cúng bên nhau.
THẢO NGUYÊN