Thông tuyến thuốc BHYT: Tăng tiện lợi, giảm gánh nặng

Thứ Sáu, 13/12/2024, 17:16 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 1/1/2025, Thông tư 37/2024/TT-BYT chính thức có hiệu lực, cho phép các cơ sở y tế sử dụng toàn bộ thuốc trong danh mục BHYT, phù hợp với phạm vi chuyên môn và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật. Quy định này mang lại lợi ích lớn cho cả người bệnh và các cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở.

Y sĩ Trần Xuân Minh (TYT xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) khám bệnh cho người dân.
Y sĩ Trần Xuân Minh (TYT xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) khám bệnh cho người dân.

Số thuốc ở trạm y tế quá ít

Theo Bộ Y tế, danh mục thuốc BHYT hiện nay được phân chia theo hạng bệnh viện, gồm: hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV; tuyến chuyên môn kỹ thuật gồm tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã. Các loại thuốc hầu hết được sử dụng tại các bệnh viện từ hạng 2 trở lên, danh mục thuốc ở các trạm y tế (TYT) chỉ khoảng 25%. Trong khi đó theo phân cấp, TYT cấp xã có nhiệm vụ quản lý, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường…Số thuốc được cấp cho TYT hạn chế như vậy, khiến cho người bệnh đang điều trị các bệnh ở TYT xã chịu nhiều thiệt thòi.

Bà Bùi Thị Chữa (86 tuổi, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường khoảng 20 năm nay. Thuốc của TYT xã Bình Châu không đáp ứng nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bà. Vì thế, trung bình mỗi tháng, bà phải lên TTYT huyện Xuyên Mộc để khám và lấy thuốc. Khoảng cách từ nhà đến TTYT huyện khá xa, bà đã lớn tuổi nên mỗi lần đi khám, bà đều phải nhờ con, cháu chở đi. Bà mong TYT xã được cấp thêm nhiều loại thuốc để bà được điều trị gần nhà cho thuận tiện.

Y sĩ Trần Xuân Minh, TYT xã Bình Châu cho biết, trạm đang quản lý, điều trị cho gần 1.800 bệnh nhân mắc đái tháo đường và tăng huyết áp. Mỗi loại bệnh chỉ có một loại thuốc, khiến trạm gặp khó khăn trong cấp thuốc cho người bệnh. “Có nhiều bệnh nhân nằm trong danh sách do TYT xã quản lý, điều trị nhưng không đáp ứng với thuốc được cấp. Trạm không có thuốc khác để thay thế nên người bệnh phải lên TTYT huyện Xuyên Mộc, gây khó khăn, vất vả cho người dân”, ông Minh nói.

Tạo công bằng cho người bệnh

Bộ Y tế cho rằng, hiện danh mục thuốc BHYT phân chia theo hạng bệnh viện như quy định của Thông tư số 20/2022/TT/BYT bộc lộ một số hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh và cơ sở y tế, mới đây Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 37/2024/TT-BYT. Theo đó, Bộ bỏ cột phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc. Điều này đồng nghĩa, tất cả các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật. Quy định này, vừa giúp bệnh nhận được tiếp cận nhiều loại thuốc thuốc và nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, nhất là ở TYT xã. Đồng thời, bảo đảm tính công bằng trong sử dụng thuốc và chi trả BHYT cho bệnh nhân.

Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa cho rằng, Thông tư 37/2024/TT-BYT sẽ mở rộng danh mục thuốc BHYT cho các TYT xã, người bệnh được cấp thuốc ngay tại địa phương, tạo thuận lợi cho bệnh nhận được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Trong đó, đối với những bệnh mãn tính được điều trị ổn, hay không cần kỹ thuật chuyên sâu, người bệnh không cần thiết phải đến khám, điều trị ở bệnh viện tuyến trên. Đỡ mất thời gian, tốn kém cho bệnh nhân. Trong trường hợp tuyến y tế cơ sở không có khả năng chữa trị thì chuyển người bệnh lên tuyến trên. “Khi tuyến y tế cơ sở có đủ thuốc và năng lực, người bệnh được khám và điều trị gần nhà, không phải đi xa, giảm quá tải cho tuyến trên. Các bệnh viện tuyến trên tập trung điều trị cho những ca bệnh khó và phát triển kỹ thuật chuyên sâu”, bác sĩ Dương Thanh nói thêm.

Quy định mới này được đánh giá tác động nhiều đến tuyến y tế cơ sở và tạo cơ hội cho các đơn vị phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thực tế năng lực của tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn của nhân viên, cơ sở vật chất, thuốc men… khiến người dân chưa mặn mà. Do vậy, để thực hiện hiệu quả Thông tư 37/2024/TT-BYT cần phải thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cho cơ sở y tế như thu hút và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để tạo niềm tin cho người bệnh. Mặt khác, đơn vị y tế cơ sở cần phải rà soát, nắm bắt số lượng, thông tin tình trạng sức khỏe và nhu cầu người bệnh và đăng ký danh mục thuốc BHYT phù hợp với địa bàn dân cư, mô hình bệnh tật nhằm sử dụng thuốc hiệu quả, tránh lãng phí.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.