Từ tình yêu với biển và ý tưởng tái chế, thầy giáo nghỉ hưu Lương Hữu Phương (phường 11, TP. Vũng Tàu) đã biến những chai nhựa, túi nilon và mút xốp bỏ đi thành những chiếc áo phao đầy ý nghĩa, mang lại giá trị cho cộng đồng.
Thầy Lương Hữu Phương, (phường 11, TP.Vũng Tàu) với sản phẩm áo phao do mình sáng chế từ rác thải. |
Trong căn phòng nhỏ tại phường 11, tiếng dập của máy khâu đều đặn hòa cùng tiếng cười của trẻ nhỏ khi thử những chiếc áo phao mới. Mọi người gọi vui đây là “xưởng tái chế” của thầy Phương-người biến những thứ bỏ đi thành vật dụng hữu ích cho cuộc sống.
Thầy Phương kể: Sau khi nghỉ hưu, hàng ngày, ông đạp xe ra bãi biển gần nhà để hít thở không khí trong lành và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển. Tuy nhiên, niềm vui đó thường bị gián đoạn bởi hình ảnh những chai nhựa, thùng xốp nằm rải rác gây ô nhiễm nghiêm trọng. Từ đó, ý tưởng tái chế những vật liệu bỏ đi thành áo phao đã lóe lên trong ông.
“Tôi nghĩ, nếu tận dụng những vật liệu này làm áo phao, vừa giảm rác thải nhựa, vừa bảo vệ mạng sống cho mọi người thì tốt biết mấy”, thầy Phương chia sẻ.
Sau khi đã có ý tưởng, thầy Phương bắt tay ngay vào việc. Ông thu gom các vật liệu tái chế từ những đống rác, mang về rửa sạch và phân loại. Chai nhựa được sử dụng làm phần thân áo phao, xốp tạo độ nổi, còn vải vụn làm lớp bọc bên ngoài. Mỗi đường khâu, mũi chỉ đều được thực hiện tỉ mỉ để đảm bảo sản phẩm chịu được áp lực nước.
Ban đầu, những chiếc áo phao chỉ là những mẫu đơn giản, thô sơ. Khó khăn lớn nhất là làm sao để kết hợp các vật liệu vừa an toàn, vừa đảm bảo hiệu quả thực tiễn. Thầy Phương đã lựa chọn kỹ càng từng tấm xốp, chai nhựa và tấm vải, dành nhiều thời gian hoàn thiện từng chi tiết nhỏ.
“Tôi đang hoàn thiện sản phẩm đẹp và tốt nhất có thể để tặng các em học sinh tại ngôi trường tôi đã làm việc, với mong muốn mang đến sự an toàn và giảm thiểu tai nạn đuối nước”, thầy Phương nói.
Em Nguyễn Hoàng Linh (phường 11, TP.Vũng Tàu, hàng xóm của thầy Phương) chia sẻ: “Con rất thích chiếc áo phao của thầy Phương. Nhờ có nó, cháu cảm thấy an toàn hơn mỗi khi đi tắm biển”.
Thầy Phương vẫn không ngừng sáng tạo và cải tiến những chiếc áo phao để chúng trở nên gọn nhẹ và dễ sử dụng hơn. Từ căn phòng nhỏ đó, những chiếc áo phao vẫn tiếp tục ra đời.
“Chỉ cần có tâm, mọi thứ đều có thể thay đổi. Tôi rất vui vì việc tái chế rác thải thành áo phao có thể giúp tiết kiệm được chi phí học bơi cho các em nhỏ khó khăn, vừa bảo vệ môi trường”, thầy Phương nói.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG-MẠNH VŨ