Bệnh dại nguy hiểm, khi lên cơn, cả người bị cắn và động vật cắn đều tử vong. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu tiêm vắc xin đầy đủ. Đáng tiếc, nhiều người vẫn chủ quan, không tiêm phòng kịp thời, dẫn đến những cái chết thương tâm.
Người nuôi chó, mèo cần chủ động đưa động vật đi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại. |
Tiêm vắc xin trễ sẽ giảm hiệu quả phòng bệnh
Sau 6 tháng bị mèo nhà cắn vào cẳng chân, với vết cắn sâu, chảy máu nhiều, chị V.T.T.L., (SN 1979, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) mới đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Chị đi tiêm phòng vì người chị gái đã tử vong vào ngày 25/11 do lây bệnh dại sau khi bị con mèo trên cào vào cẳng chân gây chảy máu nhưng không đi tiêm vắc xin dại.
Con mèo gia đình chị L. nuôi là loại mèo cỏ, chưa được tiêm vắc xin phòng dại. Cuối tháng 5/2024, con mèo mới sinh 3 con và có biểu hiện hung dữ khi cào và cắn 2 chị em. Gia đình đã tiêu hủy mèo mẹ, 3 con mèo con sau đó cũng chết. Nhiều tháng sau khi bị mèo cào, sức khỏe chị gái của chị L. vẫn bình thường.
Đến cuối tháng 11/2024, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Hồ Chí Minh, với chẩn đoán bệnh dại không đặc hiệu. Người nhà xin cho bệnh nhân quay trở về Bệnh viện Bà Rịa điều trị. Tuy nhiên, bệnh nặng nên gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà và không qua khỏi.
Chị L. cho hay, chị và chị gái đã chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng dại ngay sau khi bị mèo cắn nên dẫn tới sự việc đau lòng. Chị nghĩ, con mèo do gia đình chị nuôi 2 năm nay. Thời gian qua con mèo hiền, không cắn hay cào ai. Vì vậy, khi chị gái tử vong, chị L. và 4 người có tiếp xúc với người bệnh mới đi tiêm vắc xin phòng dại. “Đến nay, tôi đã tiêm được 4 mũi vắc xin và một liều huyết thanh kháng dại, sức khỏe vẫn bình thường”, chị L. nói.
Bác sĩ Phạm Thị Hiền, Phụ trách Phòng khám đa khoa (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay, thời gian qua, đơn vị ghi nhận một số trường hợp đến tiêm vắc xin phòng dại trễ sau khi bị động vật cắn nhiều ngày. Điều này là không nên, bởi tiêm vắc xin càng trễ thì hiệu quả phòng bệnh càng giảm. Vì vậy, ngay sau khi bị động vật như mèo, chó cào, cắn, người dân cần đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt. Theo phác đồ của Bộ Y tế, những con vật sau khi cắn người bị chết, hoặc bỏ đi nơi khác, không rõ tình trạng sức khỏe của động vật, người dân phải tiêm đủ 5 liều vắc xin phòng dại, trong đó có 3 liều tiêm trong 7 ngày.
Bác sĩ Hiền thông tin thêm, động vật cắn có vi rút dại sẽ chết trước 10 ngày sau khi cắn người. Do đó, những con vật còn sống sau 10 ngày thì không có vi rút dại gây bệnh. Vì thế, trong trường hợp này, người dân không cần phải tiêm thêm các mũi vắc xin phòng dại.
Đối với những động vật đã được tiêm vắc xin, nếu cào, cắn người, thì người bị cắn vẫn phải đi tiêm phòng dại bình thường để ngăn ngừa bệnh. Hơn nữa, khi bị chó, mèo… cắn, nạn nhân cần phải nhanh chóng đi tiêm vắc xin phòng dại, kể cả các đối tượng có sức đề kháng yếu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh nền.
Khi lên cơn dại, cả người và động vật đều tử vong
Theo CDC tỉnh, bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người thông qua nước bọt bị nhiễm vi rút dại, bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Vi rút dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh. Bệnh dại rất nguy hiểm, khi lên cơn dại, động vật cắn và người bị cắn đều tử vong. Đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều đáng chú ý, thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một hoăc hai năm, thậm chí lâu hơn.
11 tháng năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 2 ổ dịch dại trên chó ở huyện Châu Đức và 6 ổ dịch nghi dại tại huyện Đất Đỏ, huyện Long Điền, TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa. Tỉnh có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. |
Ông Nguyễn Viết Điện, Giám đốc CDC tỉnh cho hay, người bị động vật cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, tiếp tục bôi chất sát trùng bằng cồn 70%, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Tiếp đó, nạn nhân cần đến các cơ sở y tế để tiêm phòng dại trong thời gian sớm nhất, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tuyên truyền, nâng cao ý thức để người dân chủ động tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi; không thả rông chó ra đường, nơi cộng cộng. Khi đưa chó, mèo ra đường cần phải đeo rọ mõm. Người dân không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo nhằm phòng tránh bị cắn, cào.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM