Như thường lệ, vào dịp cuối năm, các thuyền viên tàu Hải Đăng 05 lại lên đường, mang theo những món quà Tết ấm áp cùng tình cảm từ đất liền, vượt qua sóng gió để đến với các đảo xa.
Những thùng quà Tết chuẩn bị ra khơi đến các đảo xa. |
Chuyến tiếp tế mong đợi nhất trong năm
Những ngày đầu tháng 12, tại cảng Rạch Bà (phường 11, TP.Vũng Tàu), các thuyền viên của tàu Hải Đăng 05, thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông - Hải Đảo (BĐATHH), trực thuộc Tổng Công ty BĐATHH Miền Nam, hối hả chất hàng lên tàu. Gia súc, gia cầm được nuôi trong hầm tàu, bảo đảm đến tay cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 còn tươi sống, góp phần cải thiện bữa ăn Tết.
Anh Trang Hoàng Lực, tân binh trên tàu Hải Đăng 05, đến từ Phú Quốc, vừa tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh, không giấu được niềm háo hức. Anh chia sẻ: “Dù cuối năm là mùa biển động mạnh, tôi vẫn rất mong chờ chuyến đi đầu tiên này. Đây là cơ hội tuyệt vời để tôi thử sức với những thách thức mới. Đây là một trải nghiệm đầy ý nghĩa và khó quên”.
Anh Trang Hoàng Lực háo hức ngày lên đường. |
Đã nhiều năm gắn bó với công việc vận chuyển quà Tết đến những đảo xa, nhưng mỗi chuyến ra Trường Sa vẫn luôn mang lại cho thuyền trưởng Trần Văn Nga (tàu Hải Đăng 05) những cảm xúc khó tả. Bất chấp sóng gió, tàu Hải Đăng 05 vẫn đều đặn ra Trường Sa 7 chuyến mỗi năm. Cuối năm, biển động mạnh và gió mùa Đông Bắc khiến công việc tiếp tế trở nên khó khăn. Có khi tàu phải thả hàng xuống biển rồi kéo vào bằng dây, liên lạc với đảo chỉ qua loa. Chuyến đi có thể kéo dài từ 14 đến 38 ngày.
“Dù phải đón Tết trên tàu, xa nhà, chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua mọi thử thách, mang quà Tết và người thay ca ra đảo, vì mỗi chuyến đi là niềm tin và tình cảm của đất liền gửi đến đảo xa. Phía trước là những người công nhân đang mong đợi từng món quà, từng chuyến tiếp tế từ đất liền, và phía sau là cả một hậu phương vững chắc, với tình yêu thương và sự hy sinh”, ông Nga không giấu được sự xúc động.
Thay ca, bám biển
Ở tuổi 36, anh Đoàn Hồng Bách, Trạm trưởng Trạm hải đăng Sinh Tồn đã có 8 năm gắn bó với công việc đầy gian truân nơi các trạm đèn đảo xa, trải qua 12 trạm khác nhau. Mùa xuân này, anh lại tiếp tục hành trình thay ca cho đồng nghiệp, để họ trở về đất liền đón Tết bên gia đình. Mỗi chuyến đi như vậy, anh Bách phải xa nhà suốt 9 tháng hoặc thậm chí cả năm trời mới có thể trở về.
“Mỗi Tết, tôi lại ra đảo thay ca cho anh em về đón Tết. Dù xa gia đình, nhưng chúng tôi luôn tự hào vì đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cảm giác đó giúp vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ Tết đất liền, và trong lòng mỗi người là niềm tự hào về Tổ quốc luôn ấm áp như mùa xuân”, anh Đoàn Hồng Bách chia sẻ.
Tổng Công ty BĐATHH Miền Nam hiện quản lý 132 trạm đèn, trạm luồng và phương tiện thủy từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Trong đó, khu vực Trường Sa và DK1 có 13 trạm đèn, với 82 người làm việc tại các đảo, nhà giàn trong đó có 55 người trực Tết.
|
Theo ông Thái Văn Lý, Phó Giám đốc Công ty BĐATHH Biển Đông - Hải Đảo, nghề bảo đảm hàng hải đã vất vả, nhưng việc quản lý, vận hành hải đăng ở Trường Sa lại càng nhiều thử thách, khó khăn hơn. Không chỉ do khoảng cách địa lý hay điều kiện sống khắc nghiệt, mà còn đòi hỏi lòng kiên định và ý chí vững vàng. Chỉ khi có tình yêu nghề, yêu biển đảo sâu sắc, anh em mới vượt qua sóng gió, chiến thắng cô đơn và nỗi nhớ nhà để hoàn thành nhiệm vụ.
Những ngọn hải đăng kiên cường giữa biển khơi Trường Sa không chỉ là biểu tượng vững vàng, mà còn là tuyên ngôn chủ quyền lãnh thổ. Được duy trì nhờ sự hy sinh thầm lặng của cán bộ trạm đèn, những chuyến tàu tiếp tế mang quà Tết và nhu yếu phẩm trở thành nguồn động lực, thắp sáng niềm tin, tiếp sức cho các nhân viên đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN