.

Để trẻ được bảo vệ an toàn

Cập nhật: 18:08, 30/12/2024 (GMT+7)

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trường hợp trẻ em bị bạo hành, tai nạn thương tích khi được gửi ở điểm trông giữ trẻ, hoặc bị bạo hành ngay tại gia đình. Những sự việc đau lòng này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan chức năng và gia đình về việc nâng cao hơn nữa công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Đại diện Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em thăm bé G.P, bị bạo hành khi gửi tại nhóm trẻ tại phường 7, TP.Vũng Tàu. (Đề nghị che mặt phụ huynh và trẻ).
Đại diện Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em thăm bé G.P, bị bạo hành khi gửi tại nhóm trẻ tại phường 7, TP.Vũng Tàu. 

Những vụ việc đau lòng

Cháu T.D.G.P. (2 tuổi) là 1 trong 3 trẻ bị bạo hành khi được gửi tại một điểm giữ trẻ trên địa bàn phường 7, TP.Vũng Tàu. Chị V.T.H, mẹ cháu P., cho biết hai vợ chồng chị đi làm nên gửi con cho cơ sở của bà B. trông giữ theo lời giới thiệu của một người quen. Nhiều lần thấy cháu P. bị bầm tím và sợ hãi khi gặp người lạ, chị H. có hỏi nhưng bà B. luôn đưa ra lý do, như: cháu chạy va vào cửa, bị bạn cắn... Chỉ đến khi bà B. bị bắt vì có clip tố cáo, chị H. mới biết bà này thường xuyên bạo hành con mình.

“Sau khi nghỉ học ở điểm giữ trẻ trên, cháu đã được nhận vào một trường mầm non công lập trên địa bàn. Tuy cháu đã vui vẻ đi học, nhưng vẫn còn biểu hiện sợ người lạ, về nhà bám chặt mẹ và lười ăn. Tôi mong cơ quan điều tra xử lý đúng người, đúng tội”, chị H. nói.

Ngoài cháu P., bà B. - chủ cơ sở giữ trẻ không phép này - còn bạo hành hai cháu nhỏ khác là T.T. (2 tuổi) và B.T. (13 tháng). Cha mẹ các cháu cho biết, do tin tưởng vào lời giới thiệu và mong con được chăm sóc chu đáo ở nhóm nhỏ, họ đã gửi con tại nhà bà B. Khi xem clip, cha mẹ các em vô cùng đau lòng và không ngờ con mình lại bị đối xử như vậy.

Mặc dù người gây ra vụ việc đã bị tố giác và bắt giữ, nhưng các gia đình sẽ cần nhiều thời gian để đồng hành, giúp các bé vượt qua những tổn thương về tâm lý.

Không chỉ xảy ra tại các điểm trông giữ trẻ, nhiều trẻ em còn bị bạo hành ngay tại nhà. Đơn cử trường hợp cháu T.Đ.L. (5 tuổi) ở phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa, đã bị cha ruột bạo hành. Sau đó, người cha đã bị xử phạt 15 triệu đồng. Anh này giải thích do con quá nghịch ngợm, không nghe lời nên anh đã nóng giận...

Tạo môi trường để trẻ sống, học tập an toàn

Sau vụ việc bạo hành tại nhóm trẻ ở phường 7, TP.Vũng Tàu, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo các sở, ngành và địa phương nhanh chóng xác minh, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các cá nhân và cơ sở vi phạm. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND TP.Vũng Tàu tập trung hỗ trợ, tư vấn tâm lý và ổn định sức khỏe cho gia đình các trẻ bị bạo hành.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra tất cả các cơ sở nuôi dạy trẻ trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở hoạt động trái phép, không bảo đảm điều kiện theo quy định. Đối với các trường hợp bạo hành trẻ em, lực lượng chức năng phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm.

Năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 65 vụ/67 trẻ bị xâm hại, tai nạn, thương tích. Mặc dù số vụ việc đã giảm, nhưng tình trạng trẻ em bị xâm hại và tai nạn thương tích vẫn còn ở mức cao, đòi hỏi các cấp chính quyền và toàn xã hội tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đạt nhiều thành tựu, đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại hoặc tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do một số gia đình quá bận rộn, thiếu sự quan tâm đến con cái, hoặc yêu thương con nhưng sai cách, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Hàng năm, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương để tiếp nhận thông tin, đánh giá tổn hại và hỗ trợ trẻ bị xâm hại. Năm 2024, trung tâm đã hỗ trợ can thiệp 100% trường hợp có nhu cầu.

Bà Nguyễn Vân Anh khuyến nghị, để tránh trường hợp các trẻ nhỏ bị bạo hành khi gửi trẻ, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về cơ sở gửi trẻ, lựa chọn cơ sở được cấp phép, có uy tín. Bên cạnh đó, phụ huynh cần chủ động cho con học bơi, học các kỹ năng thoát hiểm, phòng tránh tai nạn thương tích, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường để đảm bảo sự an toàn trẻ.

“Cùng với đó, cần sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát và mạnh dạn tố cáo các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Đồng thời, tiếp tục triển khai các tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn” và “Cộng đồng an toàn” nhằm phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”, bà Nguyễn Vân Anh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.