Bệnh sởi tăng đột biến, phòng ngừa như thế nào?

Chủ Nhật, 15/12/2024, 18:40 [GMT+7]
In bài này
.

Những tháng cuối năm 2024, tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh trở nên phức tạp khi gia tăng số ca mắc và có 2 trường hợp đã tử vong. Ngành y tế cùng các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng.

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi.
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh sởi.

Trẻ nhỏ dễ mắc sởi

Trong cả năm 2023, Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) không tiếp nhận bệnh nhi điều trị do bệnh sởi. Thế nhưng, từ khoảng đầu tháng 11 đến nay, trung bình mỗi ngày, khoa điều trị cho 5-7 trường hợp mắc sởi, chủ yếu bệnh nhi dưới 10 tuổi. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Con gái của chị Nguyễn Thị Diệu Hoa (ấp Phước Hiệp, xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ) đã 9 tuổi, nhưng chưa  tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Vì thế, khi con có dấu hiệu như sốt cao, ho, đỏ mắt…ngày càng  nặng, chị đưa con vào Bệnh viện Bà Rịa khám và được chỉ định nhập viện điều trị. Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Nhi, sức khỏe con gái chị Hoa đã tốt hơn, giảm ho và bớt đỏ mắt, hết sốt. “Hồi nhỏ, con hay ốm đau nên tôi không cho con tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Nay bệnh sởi bùng phát nhiều, con bị bệnh, tôi khá lo lắng cho cháu”, chị Hoa nói.

Dù sởi không phải là bệnh mới, nhưng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây các biến chứng, đe dọa sức khỏe của trẻ em, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Bé P.K.L., (2 tuổi, phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) bị bệnh tim bẩm sinh, chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Sau thời gian điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh), giữa tháng 11/2024, người bệnh được gia đình đưa về nhà. Song bé sốt nên người nhà đưa em quay trở lại Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị, với chẩn đoán mắc bệnh sởi. Do bệnh nhi có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh sởi nặng nên đã tử vong ngày 8/12 tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bác sĩ Võ Văn Đạt, Phó khoa, Phụ trách Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, trẻ nhỏ dễ bị lây nhiễm bệnh sởi do hệ miễn dịch còn yếu, nhất là những trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Những trẻ có cơ địa suy dinh dưỡng, bệnh lý nền mắc bệnh sởi sẽ có nhiều khả năng gặp các biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, viêm màng não. Khi trẻ có triệu chứng sốt và phát ban, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà bởi bệnh sởi diễn tiến nặng nhanh, nhiều biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Đạt khuyến cáo.

Cần tiêm vắc xin cho trẻ

11 tháng của năm 2024, TX.Phú Mỹ có 105 ca mắc bệnh sởi, trong đó có 1 ca tử vong, là bệnh nhân nữ, 32 tuổi (phường Mỹ Xuân). Số ca bệnh có dấu hiệu tăng dần từ tháng 9 đến nay, đỉnh điểm nhất là tháng 11, trung bình ghi nhận 2,37ca/ngày. Các ca bệnh tập trung nhiều ở những địa phương có mật độ dân cư cao, dân số đông như phường Mỹ Xuân và Phú Mỹ.

Trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp, ngành y tế phối hợp với ngành GD-ĐT, các phường, xã, đơn vị trên địa bàn TX.Phú Mỹ đã tăng cường rà soát các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi để mời ra trạm y tế tiêm bù, tiêm vét; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều, đúng lịch. Cơ sở khám, chữa bệnh y tế tư nhân phải gửi thông tin các ca bệnh truyền nhiễm cho TTYT TX.Phú Mỹ. Ngành GD-ĐT chỉ đạo các trường học phải kịp thời phát hiện các ca bệnh và báo cho trạm y tế địa phương. Việc làm này giúp ngành y tế kịp thời giám sát, điều tra dịch tễ và xử lý ổ dịch, ngăn ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Người mắc sởi có biểu hiện đặc trưng như sốt cao, viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, phát ban. Những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ gặp các biến chứng và có thể tử vong. 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 311 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 205 ca mắc là trẻ em dưới 5 tuổi. Trong tổng số ca mắc nói trên, có tới 267 ca chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị. Do đó, người dân cần chủ động các biện pháp phòng bệnh. Trong đó, giải pháp hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng từ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 sởi - rubella khi trẻ đủ 18 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế. Ngoài lịch tiêm chủng định kỳ theo quy định, trong tháng 10 và 11, toàn tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi-rubella cho trẻ em dưới 5 tuổi tại huyện Châu Đức và TP.Vũng Tàu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề xuất, đang chờ Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cấp bổ sung 3.980 liều để triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ em từ 1-10 tuổi ở TX.Phú Mỹ trong thời gian tới.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh như vệ sinh thân thể hàng ngày sạch sẽ; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người; không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi; chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.