TTYT huyện Long Điền vừa có báo cáo kết quả giám sát 2 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại quán ốc K. (đường Điện Biên Phủ, Phước Nguyên, TP. Bà Rịa).
Theo đó, vào tối 8/12, ông N.Q.L. và ông D.N.C. (đều sinh năm 1978, xã An Ngãi, huyện Long Điền) cùng ăn tối tại quán ốc K. Bữa ăn có các món sò dương, sò huyết, bào ngư, sam nướng, bò cuộn kim châm, tôm sốt thái.
Bữa ăn kết thúc vào 19 giờ 38 phút.
Ăn nhầm con so, hai người đàn ông ở huyện Long Điền bị ngộ độc. |
Đến 23 giờ cùng ngày, ông L. có triệu chứng tê buốt răng miệng, xây xẩm mặt mày và được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Khi vào viện, ông L. lên cơn co giật mạnh, phải nhập Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Đến nay, ông L. đã qua cơn nguy kịch, đang truyền than hoạt tính. Còn ông C. chỉ bị đau bụng, nôn ói.
Cả hai trường hợp này đều được chẩn đoán ngộ độc do ăn nhầm so biển.
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, (Bộ Y tế) có nhiều người do chưa phân biệt được con so và con sam biển nên đã sử dụng nhầm dẫn đến ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì trong con so biển có chứa chất tetrodotoxin cực độc.
Con sam (tên khoa học là Tachypleus tridentatus) có hình thù lạ mắt, vỏ cứng như mai cua, mình tròn vẹt, đường kính khoảng một gang tay (20cm), dưới bụng có 8 chân càng nhỏ, bơi rất chậm và bò như cua.
Con sam cái nặng khoảng 1kg, sam đực nhỏ hơn, chỉ nặng bằng nửa sam cái. Đặc điểm của loài sam là luôn luôn đi đôi.
Còn con so biển (tên khoa học là Carcinoscorpius rotunicauda) có hình dáng rất giống con sam, tuy hình dáng gần giống hệt con sam nhưng nhỏ hơn nhiều và chỉ đi một mình.
Chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, gây tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Điều cần chú ý là chất độc này không bị nhiệt phá hủy, nó chịu được nhiệt độ cao, dù có đun sôi, phơi khô hay sấy khô chất độc vẫn tồn tại, do đó thức ăn được đun nấu chín, nướng chín hay phơi khô ăn đều nguy hiểm.
TUỆ LÂM