Vì Côn Đảo xanh, sạch

Thứ Sáu, 01/11/2024, 17:35 [GMT+7]
In bài này
.

Nhờ kiên trì vận động người dân mua thùng rác có nắp đậy, Hội Nông dân huyện Côn Đảo đã lan tỏa hiệu ứng tích cực về phân loại rác và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Hội Nông dân huyện Côn Đảo trao thùng rác cho người dân.
Hội Nông dân huyện Côn Đảo trao thùng rác cho người dân.

Kiên trì vận động

Đầu năm 2020, cứ cách một vài tuần, bà Trần Kim Lợi, Chi hội Trưởng Chi hội 3, Hội Nông dân huyện Côn Đảo lại “gõ cửa từng nhà” ở các tuyến đường Tạ Uyên, Huỳnh Thúc Kháng... vận động người dân mua thùng rác có nắp đậy để đựng rác thải sinh hoạt cho sạch sẽ. Nhiều người hưởng ứng, nhưng cũng không ít người không muốn đặt thùng rác trước cửa nhà.

Nhờ kiên trì vận động, đến nay, 372 hộ dân và hội viên nông dân ở Khu dân cư số 2 đều trang bị hai thùng rác có nắp đậy trước nhà. Một thùng màu xanh bỏ rác hữu cơ. Vào các thứ Hai, Tư và Sáu hàng tuần, người dân kéo thùng rác ra đường chính để xe chuyên dụng đến thu gom. Một thùng màu vàng đựng các loại rác còn lại, thu gom vào thứ Ba, thứ Bảy.

Đều đặn vào cuối tuần, Chi hội 3 phối hợp với Ban Điều hành khu dân cư, các hội, đoàn thể còn ra quân dọn vệ sinh khắp các ngõ, hẻm. “Giờ đây, người dân rất ý thức làm sạch đường, đẹp ngõ, phân loại rác, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Chúng tôi quyết tâm cùng giữ gìn môi trường sống trong lành cho huyện đảo”, bà Lợi phấn khởi nói.

Cùng với Chi hội 3, hội viên các chi hội khác đồng tình hưởng ứng khi Hội Nông dân triển khai mô hình dân vận khéo “Hội viên Nông dân Côn Đảo hành động vì môi trường xanh”. Số lượng hộ đăng ký mua thùng rác đã vượt xa mục tiêu ban đầu. Từ 68 hộ trong đợt đầu tiên tại Chi hội 2 và 3 (năm 2020), nay tăng lên 520 hộ. Đặc biệt, 100% hội viên nông dân và các hộ dân sống trên các tuyến đường chính ở 9 khu dân cư của huyện đảo đã sử dụng thùng rác có nắp đậy.

Nâng cao ý thức phân loại rác thải

Mô hình đã mang lại nhiều lợi ích về môi trường, khi tạo thói quen cho người dân phân loại rác, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giữ gìn mỹ quan đô thị. Điều này cũng giúp người dân tiếp cận nhanh với việc phân loại rác tại nguồn và chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.

Về mặt kinh tế, mô hình đã đem lại lợi ích 404 triệu đồng cho 520 hộ dân. Ông Phạm Văn An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Côn Đảo phân tích, khi triển khai mô hình, Hội đã vận động người dân đăng ký mua thùng rác có nắp đậy. Khi gom lại mua chung với số lượng nhiều, người dân được đơn vị kinh doanh trợ giá, rẻ hơn nhiều so với mua lẻ ngoài thị trường. Đặc biệt, với giá từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/thùng rác, nếu ai chưa có điều kiện, Hội Nông dân sẽ cho trả dần, người dân vui vẻ, tin tưởng hưởng ứng. Trước đó, để có tiền mua thùng rác, Hội Nông dân đã vận động các nhà hảo tâm bằng hình thức cho mượn không lãi suất.

Mô hình dân vận khéo “Hội viên Nông dân Côn Đảo hành động vì môi trường xanh” là 1 trong 9 mô hình dân vận khéo tiêu biểu, được Ban Dân vận Tỉnh ủy biểu dương, khen thưởng và nhân rộng trên toàn tỉnh vào ngày 18/10 vừa qua.

Về mặt xã hội, mô hình đã thành công khi tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân và khu phố, các khu vực kinh doanh trên địa bàn huyện. Qua đó, lan tỏa hiệu ứng tích cực, được các hộ kinh doanh hưởng ứng cùng mua thùng rác có nắp đậy để đựng rác. Điều này đặc biệt quan trọng ở khu vực Côn Đảo, nơi lượng rác thải từ các hoạt động kinh doanh du lịch khá lớn.

“Đây là bước tiến lớn trong công tác bảo vệ môi trường vì phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho việc tái chế và giảm lượng rác thải ra môi trường. Mô hình đã giúp thay đổi hành vi của cộng đồng, tạo ra tác động dài hạn và bền vững”, ông An nói.

Thời gian tới, Hội Nông dân tiếp tục duy trì mô hình để hỗ trợ việc phân loại rác tại nguồn, tạo nền tảng cho mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo và thực hiện các quy định về môi trường.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.