.

Thay đổi cách dạy và học theo định hướng đề tốt nghiệp THPT

Cập nhật: 18:30, 13/11/2024 (GMT+7)

Trước những định hướng của Bộ GD-ĐT về đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, giáo viên và học sinh đã điều chỉnh phương pháp giảng dạy và học tập để kịp thời “bắt nhịp”.

Cả GV và HS đều cần có sự chuyển mình để bắt nhịp với những thay đổi của đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Trong ảnh: HS lớp 12T6 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) nghiêm túc học tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đầu tiên theo chương trình GDPT 2018.
Cả GV và HS đều cần có sự chuyển mình để bắt nhịp với những thay đổi của đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Trong ảnh: HS lớp 12T6 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) nghiêm túc học tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đầu tiên theo chương trình GDPT 2018.

Tăng cường luyện tập dạng Toán thực tế

Thầy Trần Quang Vinh, GV Bộ môn Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cả GV và HS phải tăng cường rèn luyện những câu hỏi về năng lực mô hình hóa toán học. Bởi dạng câu hỏi này vốn ít xuất hiện trong chương trình cũ nhưng lại xuất hiện dày đặc trong đề tham khảo. Bên cạnh đó, HS cần hạn chế việc học thuộc lòng, tăng cường khả năng đọc hiểu, phân tích tình huống từ đó có giải pháp khả thi để giải quyết tình huống.

Đồng quan điểm, thầy Đặng Việt An, GV Bộ môn Toán Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) cho hay, trong đề thi tốt nghiệp THPT trước đây, sự hiện diện của các bài toán thực tế rất khiêm tốn. Thế nhưng, từ đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, có thể nhận thấy sự xuất hiện tương đối dày của các bài toán thực tế, chứ không còn những bài Toán nâng cao lắt léo. Ở các câu hỏi từ dễ đến khó đều có sự lồng ghép các tình huống thực tế.

Trước sự thay đổi này, theo thầy Đặng Việt An, cả GV và HS đều phải chuyển mình để bắt nhịp. Trước hết, bản thân GV phải kịp thời, chủ động tìm kiếm tài liệu bằng nhiều nguồn, như qua internet, qua các CLB…, để từ đó xây dựng nguồn đề cho HS ôn tập. Cùng với đó là việc thay đổi cách ra đề, đổi mới kiểm tra đánh giá cho phù hợp với định hướng của Bộ GD-ĐT. Về phía HS, các em cần chịu khó rèn luyện làm quen dần với các bài toán thực tế để xóa bỏ tâm lý “ngại” các bài toán này vì đề bài thường khá dài.

Cả GV và HS đều cần có sự chuyển mình để bắt nhịp với những thay đổi của đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Trong ảnh: HS lớp 12D5 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) trong tiết học Toán.
Cả GV và HS đều cần có sự chuyển mình để bắt nhịp với những thay đổi của đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Trong ảnh: HS lớp 12D5 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) trong tiết học Toán.

Trang bị hệ thống kiến thức, phương pháp nền tảng

Cô Đỗ Thị Thúy Dương, GV Bộ môn Ngữ Văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì cho hay, đề thi tốt nghiệp THPT về cơ bản phải bám sát yêu cầu cần đạt của cấp THPT, mà đặc biệt là lớp 12. Vì vậy với việc dạy và học theo yêu cầu cần đạt, GV và HS đã chuẩn bị tâm lý, kiến thức, kỹ năng trong hơn hai năm qua. Hầu hết các trường đã cho học sinh tập dượt trải nghiệm ít nhiều qua các kỳ thi giữa kỳ, học kỳ. “Tuy nhiên, với đề tham khảo lần này, đề nhẹ nhàng mà vẫn mang tính nhân văn cùng khả năng phân loại tốt cũng sẽ giúp cho việc ôn tập xuyên suốt từ những năm qua phải điều chỉnh để hướng vào trọng tâm”, cô Thúy Dương nói.

Cô Dương chia sẻ, trước hết, viết văn bản văn học vẫn cần xác lập kỹ năng đủ ba dạng: viết đoạn phân tích một bình diện nội dung hay nghệ thuật, viết bài phân tích một văn bản/chủ đề và những đặc sắc nghệ thuật của một văn bản, viết bài so sánh hai văn bản. Trong đó tập trung nhiều hơn vào viết đoạn. Để làm được phần viết văn bản, cần có bảng hệ thống, liệt kê các đặc trưng thể loại (truyện, thơ, kí, kịch).

Với nghị luận xã hội, cần rèn năng lực viết đoạn và viết bài song song. Có thể đi từ viết đoạn riêng lẻ (theo khía cạnh) đến tạo sinh một văn bản hoàn chỉnh. Đặc biệt, HS nên thực hành nhiều lần dạng viết bài. Bên cạnh đó, cần chắt lọc các vấn đề liên quan tới người trẻ, thời đại ngày nay; rút ra cách làm các kiểu đề (hai đối tượng, trả lời câu hỏi…).

Riêng phần đọc hiểu chiếm tới 4/10 điểm nên HS cần đặc biệt chú trọng ôn tập phần này. Các em nên chia mảng ôn tập: tiếng Việt lớp 12 và lớp 11,10; các câu hỏi gắn với đặc thù loại văn bản (văn bản thông tin, văn bản nghị luận, văn bản văn học). Trong văn bản văn học chia tiếp các câu hỏi gắn với đặc trưng thể loại cùng một số dạng câu hỏi chung như “hiểu như thế nào về…”, “phân tích tác dụng của…”, “đồng tình hay không đồng tình với…”.

Chú trọng nâng cao vốn từ vựng và ngữ pháp

Cô Đậu Huỳnh Cẩm Tú, GV tiếng Anh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) cho hay, để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT mới, GV bộ môn cần nâng cao vốn từ vựng và ngữ pháp cho HS. Nên mở rộng từ vựng theo các chủ đề, để HS tự tin đọc bài ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Song song với đó là xây dựng nền tảng ngữ pháp cơ bản giúp HS nhìn nhận được cấu trúc câu tốt hơn.

GV bộ môn cũng cần hướng dẫn HS những kỹ năng đọc hiểu, ví dụ như kỹ năng đoán từ qua ngữ cảnh, kỹ năng tóm tắt ý chính của đoạn văn và của toàn bài văn, kỹ năng suy luận...  Đồng thời, tăng cường cho HS làm những bài kiểm tra ngắn, giúp các em làm quen với áp lực thời gian, cũng như các dạng bài đọc hiểu.

Lời khuyên cô Cẩm Tú là các em HS lớp 12 cần tập trung học tập nghiêm túc, hợp tác tốt với GV trong lớp, tích cực chủ động tìm tòi những bài báo ở những trang báo uy tín để rèn thêm kỹ năng đọc hiểu. Khi đến giai đoạn luyện đề, cần rút kinh nghiệm những lỗi sai để kết quả được cải thiện.

Ngoài ra, HS lớp 10 và 11 cần xây dựng nền tảng ngữ pháp và từ vựng từ sớm, học tập chủ động và rèn kỹ năng đọc hiểu từ những bài tập hàng ngày.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.