Sự hài lòng của người dân là đích đến của dịch vụ công
Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. |
Nâng cao chất lượng Cổng Dịch công cấp tỉnh
Theo kết quả Bộ TT-TT công bố hệ thống đánh giá chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024, Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 75,5 điểm xếp hạng C.
Để tìm giải pháp cải thiện chất lượng Cổng Dịch vụ công, tỉnh nhìn nhận, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, hướng đến sự hài lòng của người dân, tỉnh đã tổ chức hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng Cổng Dịch vụ công tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” vào trung tuần tháng 11/2024.
Thông tin tại hội nghị, Sở TT-TT cho biết, tính đến ngày 1/6/2024 đã có 117 cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh với 6.118 người dùng là cán bộ, công chức, viên chức tỉnh sử dụng phân hệ Một cửa điện tử tỉnh; 3.588 tổ chức và 212.206 người dân sử dụng phân hệ Cổng Dịch vụ công tỉnh.
1.302.107 hồ sơ nộp trực tuyến và 1.229.948 hồ sơ nộp trực tiếp được xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh kết nối, chia sẻ, tích hợp trực tiếp với 15 hệ thống, phần mềm của bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ; kết nối, chia sẻ, tích hợp trực tiếp với 3 hệ thống thông tin khác của tỉnh.
Sở TT-TT cũng đánh giá, giao diện Cổng Dịch vụ công tỉnh còn khó sử dụng, chưa thân thiện người dùng, cần được tổ chức, sắp xếp lại; chưa tích hợp AI Chat hỗ trợ giải đáp quy trình thủ tục,... Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh chưa kết nối, chia sẻ, tích hợp đầy đủ với các phần mềm, hệ thống theo lộ trình các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ.
Mặt khác, tại “Đánh giá 63 Cổng Dịch vụ công) cấp tỉnh từ góc độ người dùng năm 2024” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) công bố, Cổng Dịch vụ công tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn các tiêu chí chưa đạt. Chẳng hạn như tỉnh đã thực hiện tốt các công cụ tra cứu thông tin nhưng chưa có mục “Câu hỏi thường gặp”, Chatbot - Trợ lý ảo để người dùng đặt câu hỏi và nhận câu trả lời trực tuyến.
Hướng đến sự hài lòng của người dân
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia Viện IPS khuyến nghị tỉnh cần chú trọng cải thiện các tính năng trên Cổng Dịch vụ công theo hướng “lấy người dùng làm trọng tâm phục vụ”. Điều này đồng nghĩa với việc các TTHC phức tạp, phát sinh nhiều hồ sơ nên được ưu tiên đơn giản hóa.
“Để khắc phục các hạn chế hiện tại, trước hết, tỉnh cần tập trung ưu tiên phát triển các dịch vụ công trên nền tảng thiết bị di động thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Đồng nói.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng tỉnh nên xây dựng hệ thống phản hồi ý kiến và đánh giá dịch vụ công đầy đủ hơn, giúp người dân dễ dàng đánh giá mức độ hài lòng và đưa ra phản hồi về chất lượng dịch vụ. Việc công khai minh bạch các ý kiến phản hồi và kết quả xử lý sẽ góp phần tạo niềm tin cho người dân và giúp tỉnh ngày càng hoàn thiện hệ thống dịch vụ công.
Trong khi đó, chuyên gia Lê Đặng Trung, Giám đốc Công ty Phân tích thời gian thực có ý kiến về đề xuất tích hợp công cụ hỗ trợ sử dụng Dịch vụ công AI (dichvucong.me) vào Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin chính sách của tỉnh và giải quyết TTHC. Tỉnh cũng mở rộng các hình thức tiếp nhận hồ sơ TTHC trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí.
Trước đòi hỏi yêu cầu quản trị phục vụ người dân hiệu quả hơn, tỉnh tập trung đánh giá quá trình vận hành Cổng Dịch vụ công, tiếp thu ý kiến của chuyên gia, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, cải thiện chất lượng Cổng Dịch vụ công của tỉnh, hướng đến tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận các thông tin và TTHC công.
Bài, ảnh: QUANG LÊ