Phòng tránh bệnh lây từ thú cưng

Thứ Sáu, 29/11/2024, 16:22 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế được cải thiện, nhiều gia đình chọn nuôi một số loài vật trong nhà, gọi là thú cưng. Đó có thể là chó, mèo, chim, khỉ, thậm chí có nhà còn nuôi trăn, rùa…

Ôm ấp, hôn hít thú cưng là con đường ngắn nhất dẫn đến lây nhiễm các bệnh nguy hiểm.
Ôm ấp, hôn hít thú cưng là con đường ngắn nhất dẫn đến lây nhiễm các bệnh nguy hiểm.

Được xem là thú cưng, nên không ít người thường xuyên ôm ấp, vuốt ve, thậm chí cho chúng ngủ chung. Tuy nhiên, những con vật này hoàn toàn có thể là nguồn lây nhiễm các bệnh nguy hiểm nếu người nuôi không biết cách phòng tránh hoặc thờ ơ trong việc bảo vệ sức khỏe.

Chó, mèo lây bệnh gì?

Một trong những bệnh nguy hiểm nhất khi nuôi chó là bệnh dại. Thoạt đầu, chó nhiễm virus dại sẽ bỏ ăn vì khó nuốt, đồng tử mắt giãn rộng và chuyển màu đỏ, trốn vào chỗ tối, sau đó bị liệt hàm dưới, liệt lưỡi, chảy nước dãi, thỉnh thoảng tru lên từng hồi, có xu hướng cắn người, kể cả chủ nuôi. Chó thường chết trong vòng 3 đến 7 ngày sau khi phát bệnh.

Nếu con người bị chó dại cắn, các triệu chứng thường xuất hiện sau 2 đến 8 tuần, với biểu hiện sợ nước, sợ ánh sáng, sợ tiếng động lớn, kèm sốt cao, co thắt cơ, khó nuốt. Người bệnh có thể tử vong trong khoảng 1 tuần do liệt hô hấp nếu không được tiêm ngừa ngay sau khi bị cắn.

Ngoài bệnh dại, chó còn là nguyên nhân gây bệnh sán chó. Sán chó đẻ trứng trong ruột, sau đó thải ra ngoài qua phân. Trẻ em thường nhiễm sán do thói quen ôm ấp, vuốt ve chó, kể cả vùng hậu môn, rồi đưa tay vào miệng hoặc chơi ở đất cát nhiễm phân chó. Người lớn cũng có nguy cơ nhiễm trong quá trình tắm rửa, chải lông hoặc bế chó.

Người nhiễm sán chó có thể bị nhức đầu, đau cơ, yếu nửa người, liệt, co giật, chóng mặt, động kinh, viêm não màng não, nổi mề đay, tiêu chảy, tràn dịch màng phổi, hoặc suy dinh dưỡng. Khi xét nghiệm máu, bạch cầu ái toan thường tăng cao, kết quả huyết thanh dương tính với sán chó (Toxocara).

Tương tự chó, mèo cũng có thể mắc bệnh dại và lây truyền cho người. Ngoài ra, mèo có thể nhiễm nấm hoặc giun móc, giun đũa, và lây qua tiếp xúc trực tiếp. Nếu mèo có bọ chét ký sinh, người nuôi có thể bị sốt phát ban, dị ứng, viêm da, hoặc thậm chí bệnh dịch hạch nếu mèo bị nhiễm bệnh. Mèo còn có thể lây truyền bệnh Leptospirosis khi nước tiểu của chúng tiếp xúc trực tiếp với da người hoặc thức ăn.

Các loài chim cũng có thể lây bệnh

Các loài chim như vẹt (két) hoặc sáo có thể lây bệnh sốt vẹt. Vi khuẩn gây bệnh thường có trong phân, nước tiểu, hoặc nước bọt của chim. Khi tiếp xúc với phân, lồng chim, hoặc thức ăn mà không rửa tay, người nuôi dễ bị nhiễm bệnh với các triệu chứng như ớn lạnh, nhức đầu, ho khan, thậm chí viêm phổi.

Chim bồ câu, tưởng chừng vô hại, cũng có thể truyền các bệnh như sốt thương hàn, viêm phổi do nấm hoặc bệnh rận bồ câu. Nguy hiểm nhất là viêm phổi do nấm, với hậu quả kéo dài như ho dữ dội, suy giảm chức năng hô hấp.

Phòng ngừa bệnh lây nhiễm từ thú cưng

Để phòng ngừa bệnh lây từ thú cưng, người nuôi cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Tiêm phòng dại đầy đủ cho chó, mèo. Tắm rửa thú cưng thường xuyên bằng xà phòng diệt ve, bọ chét. Hạn chế ôm ấp, hôn thú cưng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với thú cưng hoặc dọn dẹp phân của chúng. Tránh để thú cưng liếm các vết thương hở hoặc đồ dùng sinh hoạt.

Thường xuyên quan sát thú cưng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như nôn mửa, tiêu chảy, ho, chảy nước dãi, hoặc hung dữ. Phụ nữ mang thai khi tiếp xúc với thú cưng nên đeo găng tay để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

Nếu bị thú cưng cắn hoặc cào, hãy rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước trong ít nhất 15 phút và đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng.

Dược sĩ  NGUYỄN VĂN ĐẠT

;
.