Phòng chống bạo lực gia đình: Người bị bạo lực phải là trung tâm
Nhân ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11), phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc phỏng vấn ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) xung quanh vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ).
Phóng viên: Đề nghị ông thông tin về tình hình BLGĐ hiện nay của cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng?
- Ông Khuất Văn Quý: Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT-DL, tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành phố, trong giai đoạn 2009-2023, tổng số vụ BLGĐ các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 330.919 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2009 là 53.206 vụ, giảm còn 19.274 vụ trong năm 2015 và 7.831 vụ trong năm 2020, còn 3.240 vụ trong năm 2023. Riêng trong năm 2023 có 2.677 nam giới có hành vi BLGĐ bị xử lý.
Mặt khác, theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp quốc phối hợp thực hiện (công bố năm 2020) cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời và tỷ lệ bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua) là 31,6%. Điều tra cũng cho biết hơn một nửa phụ nữ từng có chồng/bạn tình (52,9%) đã phải chịu đựng ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục hoặc tinh thần do chồng/bạn tình hiện tại hoặc trước đây gây ra.
Theo số liệu báo cáo thống kê từ các địa phương, tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giảm đáng kể. Cụ thể, giai đoạn 2015-2020 là 259 vụ; giai đoạn từ năm 2021- 2024: 57 vụ (năm 2021: 15 vụ, năm 2022: 17 vụ, 2023: 17 vụ; tính đến tháng 11 năm 2024: 8 vụ).
Trong 17 vụ BLGĐ của năm 2023, có 16 vụ bạo lực thân thể và 1 vụ bạo lực tình dục. Trong đó, 2 vụ nạn nhân là trẻ em, 14 vụ là nạn nhân nữ, 1 vụ là nạn nhân nam. Đối với 8 vụ BLGĐ năm 2024, 7 vụ bạo lực thân thể và 1 vụ bạo lực tình dục. Trong đó, 1 vụ có nạn nhân là trẻ em và 7 vụ nạn nhân người lớn đều là nữ.
Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 có hiệu lực từ 1/7/2023 có những điểm mới gì bảo vệ nạn nhân BLGĐ mà cụ thể là bảo vệ phụ nữ và trẻ em, thưa ông?
- Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 có hiệu lực từ 1/7/2023 có 5 điểm mới. Trong đó, có 1 điểm mới là lấy người bị BLGĐ làm trung tâm (khoản 1, Điều 4 Luật PCBLGĐ 2022), đồng thời khoản 2, Điều 4 của luật cũng quy định “bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và là lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi…”.
Người bị BLGĐ là đối tượng chịu nhiều hậu quả trực tiếp cả về thể chất và tâm lý, là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt khi họ là những người dễ bị tổn thương, yếu thế trong gia đình và xã hội như phụ nữ và trẻ em. Do đó, khi ban hành Luật Phòng, chống BLGĐ, người bị BLGĐ phải là trung tâm của các biện pháp phòng, chống bạo lực.
Việc xây dựng các mô hình điểm góp phần giảm số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Ông Trần Hải Đăng và bà Phạm Thị Thoa (ngụ TP. Vũng Tàu) hạnh phúc bên các cháu. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, việc xử lý tin báo, tố giác về BLGĐ được quy định cụ thể tại Điều 20 Luật Phòng chống BLGĐ năm 2022, đó là: Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi,… thì chủ tịch UBND cấp xã phân công công an xã, phường, thị trấn xử lý.
Để tiếp tục phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới hiệu quả, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?
- Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, công tác gia đình, xây dựng và duy trì tốt các hoạt động của mô hình phòng, chống BLGĐ. Tỉnh đã có 339 CLB gia đình phát triển bền vững; 258 nhóm phòng, chống BLGĐ; 450 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 199 đường dây nóng. Các mô hình này cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về gia đình và phòng, chống BLGĐ. Việc xây dựng các mô hình điểm đã góp phần giảm số vụ BLGĐ trên tỉnh.
Để tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình về phòng, chống BLGĐ, bên cạnh các mô hình hiện có, Sở VH-TT cần phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai các mô hình an toàn cho phụ nữ, làng quê an toàn, thành phố an toàn; CLB gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống BLGĐ.
Việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng các mô hình điểm này sẽ góp phần hạn chế tình trạng phụ nữ và trẻ em bị bạo lực ngay trong chính gia đình của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
HUYỀN TRANG (Thực hiện)