Phòng cháy, chữa cháy - trách nhiệm không của riêng ai - Kỳ 2: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy thì ý thức của mỗi người dân trong công tác PCCC rất quan trọng. Bên cạnh đó, phát huy phong trào toàn dân tham gia PCCC nhằm xử lý đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Các tổ liên gia an toàn PCCC tham gia hội thi PCCC và CNCH. |
Vận động hiến đất mở rộng hẻm
Ông Nghiêm Viết Hùng, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn thành phố có 1.209 hẻm. Trong đó, có 669 hẻm rộng dưới 4m. Việc đầu tư mở rộng các hẻm rộng tối thiểu 4m theo quy định quản lý các đồ án quy hoạch là cần thiết nhằm đảm bảo cho các phương tiện cứu thương, cứu hỏa có thể tiếp cận các khu dân cư để xử lý khi có tình huống cần thiết… Tuy nhiên, với nguồn vốn ngân sách có hạn nên trong giai đoạn hiện nay chưa thể cân đối bố trí đầu tư mở rộng hẻm theo quy hoạch, quy chế quản lý.
Do đó, UBND TP.Vũng Tàu đang thí điểm vận động người dân hiến đất, Nhà nước đầu tư mở rộng hẻm theo quy hoạch, quy định quản lý, đảm bảo điều kiện thuận tiện, an toàn... Hiện nay, phường Nguyễn An Ninh đã vận động và người dân tại một con hẻm đã đồng ý hiến đất mở rộng hẻm. Hiện UBND TP.Vũng Tàu đã giao Ban Quản lý dự án xây dựng lập thiết kế để triển khai thực hiện.
Ông Trần Vy Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường 5 cho biết, trước thực tế hẻm nhỏ, nhà xây san sát hết đất nên việc mở rộng hẻm rất khó thực hiện. Do đó, về lâu dài chính quyền địa phương tiếp tục vận động kinh phí lắp đặt các trụ nước chữa cháy ở đầu hẻm và bình cứu hỏa công cộng dọc các hẻm; vận động các gia đình trang bị thêm bình chữa cháy, mặt nạ chống khói; củng cố và tập huấn đội PCCC và CNCH tại chỗ; lắp hệ thống báo cháy, thiết bị thoát hiểm ở các khu vực hẻm sâu; vận động người dân, nhà hảo tâm trang bị hệ thống báo cháy tự động để cảnh báo sớm khi xảy ra hỏa hoạn; vận động, yêu cầu người dân lắp thang thoát hiểm ở những nhà có tầng…
“Chúng tôi đã và đang tuyên truyền người dân không sử dụng các thiết bị điện cũ, tránh tích trữ vật liệu dễ cháy trong nhà, nhất là sạc xe đạp, xe máy điện...”, ông Phúc nói.
Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo, khi thiết kế chủ nhà cần bố trí lối thoát nạn; phải loại bỏ các vật dụng sinh hoạt gây cản trở đường thoát nạn, lắp thiết bị báo cháy, cửa ngăn cháy giữa khu vực để xe với các tầng...
Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC
Để công tác PCCC các nhà trong hẻm sâu, nhỏ được hiệu quả, các khu dân cư cần có điểm chữa cháy công cộng, phát triển các mô hình tại chỗ như tổ liên gia an toàn PCCC để tận dụng thời gian vàng.
Ông Huỳnh Tuấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Nhì cho biết, trên địa bàn phường đã thành lập được 192 tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương vận động DN, nhà hảo tâm tặng bình chữa cháy cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) cho biết, để bảo đảm an toàn cho hộ gia đình, nhà ở, khu dân cư, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) và công an các địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật về PCCC cho người dân với hình thức và nội dung đổi mới, phong phú.
Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ, trong đó, chú trọng huấn luyện kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ; kỹ năng thoát nạn; kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC, nhất là các phương tiện chữa cháy ban đầu; diễn tập PCCC và CNCH trong hẻm sâu…
Ngày 8/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đã có văn bản gửi các sở, ngành địa phương về việc triển khai thực hiện Công điện số 113/CĐ-TTg ngày 7/11 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, khu dân cư... Thông qua công tác kiểm tra cần lưu ý tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC, cảnh giác và có biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tối đa xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, bảo đảm an toàn, tài sản, tính mạng, sức khoẻ của Nhân dân, nhất là dịp lễ, tết sắp tới; nâng cao hiệu quả hoạt động của các “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng", phát huy phương châm "4 tại chỗ” trong chữa cháy và CNCH tại khu dân cư.
|
Bên cạnh đó, các địa phương đã xây dựng mô hình về PCCC như: “Tổ liên gia an toàn PCCC” ; phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”; "Điểm chữa cháy công cộng", "Tổ tự quản về PCCC”… Đến nay, toàn tỉnh có 671 tổ liên gia, tự quản an toàn PCCC, 226 điểm chữa cháy công cộng. Tại các điểm chữa cháy công cộng, tổ liên gia về PCCC đã được trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, trang bị hệ thống nút ấn, thiết bị báo sự cố bằng âm thang, ánh sáng, các nội quy, quản lý sử dụng phương tiện PCCC, CNCH...
Từ các mô hình này đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC, chủ động nâng cao khả năng PCCC đối với tất cả các tầng lớp Nhân dân; tạo bước phát triển mới trong phong trào toàn dân tham gia PCCC, góp phần làm giảm nguy cơ cháy, nổ và kịp thời xử lý khi có cháy nổ xảy ra...
Lực lượng Cảnh sát PCCC cũng tập trung triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH; tổ chức điều tra, xử lý vi phạm quy định về PCCC.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN - BẢO KHÁNH