Hội thi sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 do Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức thu hút 10 đội tham gia. Mỗi đội đã lựa chọn những câu chuyện, tình huống liên quan đến phụ nữ, trẻ em ở gia đình, xã hội có trong thực tế để phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới.
Các đội đến từ Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố mang đến hội thi những tiểu phẩm phản ánh về tình trạng bất bình đẳng đối với nữ giới. |
Những câu chuyện thực tế
Đội 1 của Hội LHPN TP.Vũng Tàu mang đến hội thi tiểu phẩm Dạy vợ. Câu chuyện xoay quanh gia đình chị Kim Hiền, anh Tấn Lực. Anh Lực là người không chịu làm ăn, thường xuyên nhậu nhẹt bê tha và đánh đập vợ con. Trong một lần đi nhậu về say xỉn, ngoài yêu cầu vợ phục vụ cơm nước, anh còn la mắng vợ chỉ biết đẻ 2 đứa con gái mà không có con trai nói dõi tông đường khiến chị Hiền tức tối. Trước những lời mắng chửi của chồng, chị Hiền không còn nhẫn nhịn chịu đựng như mấy lần trước nên vợ chỗng cãi vã qua lại, dẫn tới đánh nhau. Con gái đi học về chứng kiến và nhờ các cô trong hội phụ nữ sang nhà giúp đỡ.
Tại đây, các chị hội phụ nữ khéo léo phân tích và kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực cho người chồng hiểu rõ, đánh đập và chửi mắng vợ là vi phạm pháp luật, bị xử phạt hành chính. Nhờ đó, giúp chồng chị Hiền nhận ra những việc làm sai trái của mình đối với vợ, con; nghiêm túc rút kinh nghiệm, và hứa cùng vợ nuôi dạy con cái.
Tiểu phẩm Lỗi tại ai? đến từ Đội 2 của Hội LHPN TP.Bà Rịa cũng là một câu chuyện quen thuộc về tư tưởng trọng nam khinh nữ, con cái bất hiếu với cha mẹ. Bà Hai sinh ra 2 người con, một trai, một gái. Bà sống cùng với con gái. Trong quá trình sống chung, chị Thúy (con gái bà Hai) thường dùng những lời nói nặng nề, hắt hủi, ngược đãi mẹ.
Chị cho rằng, từ nhỏ đến lớn, bà Hai luôn cưng chiều con trai, cho ăn học đàng hoàng, bắt chị nghỉ học. Bà Hai còn cho con trai cả căn nhà nhưng con trai lại không chăm sóc, nuôi dưỡng bà ngày nào. Chị muốn con trai phải có trách nhiệm phụng dưỡng mẹ thì bà Hai bênh vực con trai. Điều này khiến chị Thúy cảm thấy bất bình.
Mâu thuẫn xảy ra đỉnh điểm khi bà Hai được chị Thanh (Hội LHPN phường) mua cơm và thuốc uống. Bà Hai tâm sự về chuyện Thúy hay la mắng, gắt gỏng. Tuy nhiên, người con trai lại từ chối, không muốn đưa mẹ về nuôi dưỡng. Uất ức dâng trào, bà Hai chạy ra khỏi nhà, bỏ dở câu chuyện, không may bị tai nạn làm chị Thúy vô cùng hoảng sợ.
Vai trò cán bộ Hội, chị Thanh nhẹ nhàng khuyên nhủ chị Thủy không nên đối xử tệ bạc với mẹ mình. Dù không đánh đập, nhưng lời nói chì chiết gây tổn hại về tinh thần cho bà Hai là vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Sau khi được phân tích, chia sẻ, chị Thúy, em trai đều nhận ra sự bất hiếu của mình với mẹ. Bà Hai cũng xin lỗi các con vì quan niệm trọng năm khinh nữ, từ nay sẽ thương yêu 2 con như nhau.
Ngăn chặn hành vị bạo lực
Ngoài 2 tiểu phẩm trên, 8 đội thi còn lại còn mang đến hội thi những câu chuyện khiến người xem cảm thấy đau lòng và bức xúc như quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em; coi thường vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; hạn chế quyền tham gia các hoạt động xã hội của phụ nữ…Điểm chung của các tiểu phẩm đều là những tình huống thực tế trong gia đình và xã hội được các đội diễn tả chân thật, giàu cảm xúc. Thông qua từng tiểu phẩm, Hội LHPN các cấp đã phát huy được vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động để cộng đồng thay đổi và nâng cao nhận thực về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, xóa bỏ các định kiến, quan niệm không phù hợp về vai trò của phụ nữ, từng bước đẩy lùi, ngăn chặn các hành vị bạo lực gia đình và trên cơ sở giói.
Bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, hội thi sân khấu hóa tuyên truyền phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới là một trong những hoạt động thực hiện Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, diễn ra từ 15/11- 15/12. Đây còn là một trong những hoạt động truyền thông, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và xã hội chung tay xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển bình đẳng như trong các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, Luật bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngoài ra, thông điệp của hội thi còn hướng tới 4 giá trị của gia đình gồm an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/ĐH và Nghị quyết số 05-NQ/TU về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM