NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS (1/12)

Tiến tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030

Thứ Sáu, 29/11/2024, 17:53 [GMT+7]
In bài này
.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo Bà Rịa -Vũng Tàu có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Viết Điện, Giám đốc CDC tỉnh về những định hướng trong thời gian tới để đến năm 2030 chấm dứt bệnh AIDS.

* Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đến nay đạt được những kết quả như thế nào?

- Bác sĩ Nguyễn Viết Điện: Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đã cung cấp đầy đủ, đa dạng các hoạt động, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS gồm: tư vấn xét nghiệm HIV, can thiệp giảm hại phòng, chống HIV/AIDS, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), điều trị ARV cho người nhiễm HIV, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trong đó, công tác điều trị ARV đang được triển khai tại 10 cơ sở gồm các trung tâm y tế, bệnh viện, trại giam trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối tháng 10/2024, các cơ sở này đang điều trị ARV ngoại trú cho hơn 3.000 bệnh nhân. Ngoài ra, 7 cơ sở còn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 322 người. Tỉnh còn có hơn 1.400 khách hàng đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đã được các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền sâu rộng, nhiều nhất là nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các nhóm đối tượng nguy cơ cao (nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người nhiễm HIV và bạn tình của các nhóm này). Đồng thời, giới thiệu các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS nhằm tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi nguy cơ được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất.

* Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song công tác phòng, chống HIV/AIDS còn gặp những khó khăn như thế nào, thưa bác sĩ?

- Dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn tập trung, không có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, theo dõi trong 10 năm trở lại đây cho thấy, đã có sự gia tăng đáng kể số người nhiễm HIV thuộc nhóm tuổi 15-24, lây truyền nhiễm theo đường tình dục và chủ yếu tập trung ở đối tượng nhóm MSM. Theo đó, tỷ lệ nhiễm HIV theo nhóm đối tượng ở nhóm MSM tăng nhanh chóng từ 4,5% năm 2016 lên 51,8% năm 2020 và 54,9% năm 2023).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu du lịch. Đối tượng di biến động lớn, khó tiếp cận, triển khai hoạt động truyền thông và can thiệp giảm hại phòng, chống HIV/AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS vẫn thường đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử từ cộng đồng, xã hội. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hiện nay chủ yếu được miễn phí với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế. Một số hoạt động dự án trong giai đoạn tới sẽ giảm và dừng hỗ trợ. Điều này ảnh hưởng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

* Trong thời gian tới, tỉnh cần phải tăng cường triển khai những giải pháp nào để khắc phục những khó khăn vừa nêu cũng như thực hiện được mục tiêu tiến tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030?

- Ngành y tế tỉnh xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện 17 chỉ tiêu theo Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 29/10/2024 của UBND tỉnh về thực hiện “Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” và Kế hoạch đảm bảo tài chính cho chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Hoạt động truyền thông về công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai sâu rộng. Hình ảnh mang tính chất minh hoạ.
Hoạt động truyền thông về công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai sâu rộng. Hình ảnh mang tính chất minh hoạ.

Trong đó, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông tiếp cận ở các nhóm nguy cơ cao tại cộng đồng (nhóm MSM, phụ nữ bán dâm, nghiện chích ma túy), tiến hành các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV. Những người phát hiện người nhiễm HIV dương tính sẽ thực hiện hỗ trợ, điều trị ARV sớm cho người bệnh. Những người xét nghiệm HIV âm tính, nếu thuộc nhóm MSM sẽ tư vấn, giới thiệu họ đến với cơ sở điều trị PrEP, đồng thời cấp phát bao cao su, chất bôi trơn miễn phí để dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Nhóm phụ nữ bán dâm thì hỗ trợ truyền thông về HIV/AIDS, cấp phát bao su miễn phí, kết hợp tư vấn về các dịch vụ phòng, chống HIV. Nhóm nghiện chích ma túy, hỗ trợ họ kết nối với các cơ sở điều trị Methadone và các điều trị ma túy khác trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết tháng 10/2024, toàn tỉnh có 5.476 người nhiễm HIV. Trong số này 3.293 người còn sống và được quản lý, 2.183 trường hợp đã tử vong. Riêng 10 tháng năm 2024, toàn tỉnh phát hiện 171 ca nhiễm HIV mới. Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu “95-95-95” (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế), tính đến nay, 3 mục tiêu này tại tỉnh đã đạt tỷ lệ lần lượt là “95 - 91 - 98”.

Một điều quan trọng nữa, những năm gần đây, đường lây truyền HIV tại Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục. Đây cũng là con đường lây nhiễm HIV chủ yếu. Việc duy trì, tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân HIV/AIDS có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm tải lượng vi rút HIV trong máu đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) sẽ không có nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Vì vậy, tỉnh tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả công tác điều trị bằng thuốc ARV cho người bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

* Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

TUỆ LÂM
(Thực hiện)

;
.