Trong cuộc sống gia đình, việc giao tiếp giữa hai vợ chồng là điều không thể thiếu để duy trì sự gắn kết và hiểu nhau. Tuy nhiên, không ít các cặp đôi gặp phải vấn đề khi vợ có thói quen nói nhiều.
Người vợ mắc bệnh nói quá nhiều khiến người chồng luôn mệt mỏi và căng thẳng. (Ảnh minh hoạ) |
Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân của mình với tâm trạng khó chịu, anh Nguyễn Văn Hưng (phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) tâm sự, là một thuyền viên, thường xuyên phải xa nhà, có khi nửa năm mới về nhà một lần. Và anh luôn cảm thấy mệt mỏi mỗi lúc gọi điện hay về thăm nhà. Bởi vợ anh có thể kể từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, và mỗi lần kể là cứ nói mãi không ngừng.
“Có những sự việc thay vì nói 1 đến 2 câu là đủ thì vợ tôi có thể kéo dài 5-6 phút. Ví dụ như, tôi ngỏ ý ngày mai muốn ăn món ăn nào đó. Ngay lập tức cô ấy sẽ nói từ việc ngày mai cô ấy sẽ dậy lúc mấy giờ, đi chợ nào, chọn thực phẩm ở quầy nào, chọn như thế nào và sau đó về nhà sẽ chế biến ra sao… Tôi biết, cô ấy chỉ muốn chia sẻ, nhưng tôi cảm thấy quá tải vì không thể tập trung vào bất cứ điều gì khác”, anh Hưng nói.
Theo các chuyên gia tâm lý, sự dài dòng trong cách nói chuyện của vợ không phải lúc nào cũng xuất phát từ ý định làm phiền hay phê phán chồng. Đôi khi, đó là cách mà phụ nữ thể hiện sự quan tâm và mong muốn chia sẻ về cuộc sống hằng ngày của họ. Tuy nhiên, với một câu chuyện nếu được kể với mạch chuyện kéo dài quá lâu, có thể trở thành nguồn gốc của sự căng thẳng. Người chồng, vốn đã mệt mỏi sau một ngày làm việc, thường chỉ muốn có một khoảng thời gian yên tĩnh, nhưng bị cuốn vào những câu chuyện không hồi kết.
Ngoài việc nói dài dòng, không ít gia đình gặp phải vấn đề khi vợ không những nói nhiều mà còn hay phàn nàn. Anh Hoàng Bách (phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) cho biết, vợ anh luôn có điều gì đó để nói, từ chuyện con cái, công việc nhà đến những điều nhỏ nhặt như việc anh không nhắc nhở con cái học hành, ăn uống đúng giờ. “Nhiều lúc tôi cảm thấy ngột ngạt, không phải vì việc gì to tát, mà là vì những điều nhỏ nhặt cô ấy cứ nói đi nói lại mãi. Mỗi lần cô ấy nói, tôi lại thấy căng thẳng”, anh Bách phàn nàn.
Theo Tiến sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục, khi người chồng cảm thấy mệt mỏi và không muốn đối mặt với những lời nói từ vợ, anh ta có thể tìm đến những giải pháp tạm thời như dành nhiều thời gian hơn bên ngoài, thậm chí là tìm kiếm niềm vui ở nơi khác.
Để cải thiện tình trạng này, cả hai vợ chồng cần học cách lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Người vợ cần nhận thức được mức độ và cách thức truyền đạt thông tin của mình, nên chọn những thời điểm phù hợp để nói chuyện và biết ngừng khi cần thiết. Người chồng cũng cần chia sẻ cảm xúc của mình một cách chân thành, giúp vợ hiểu được tâm lý của mình và cùng nhau tìm ra giải pháp.
Hôn nhân là sự kết hợp của hai con người với những đặc điểm, tính cách và thói quen khác nhau. Để duy trì hạnh phúc, cả hai cần thấu hiểu, đồng cảm và điều chỉnh hành vi của mình.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN