Hỏi: Cách đây vài ngày, lúc ngủ dậy thì miệng tôi méo hẳn sang một bên, nói năng, ăn uống rất khó khăn. Xin hỏi bác sĩ đó có phải là trúng gió và có thể chữa lành được không?
(tranminh@...)
Liệt mặt do tổn thương thần kinh số 7 chứ không phải trúng gió. |
Trả lời: Méo miệng vì trúng gió là chữ dân gian thường dùng để gọi hiện tượng miệng tự nhiên méo hẳn sang một bên nhưng theo y học, 75% nguyên nhân gây méo miệng là do nhiễm lạnh đột ngột, gây ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7, số còn lại là do các biến chứng từ các loại bệnh khác như chấn thương sọ ở vùng thái dương, viêm tai mũi họng mãn tính, viêm xương chũm…
Người dễ bị méo miệng là người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu, ít luyện tập thể dục thể thao, phụ nữ có thai, người ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, có tiền sử hạ đường huyết, bị huyết áp cao hoặc huyết áp thấp, bị xơ vữa động mạch, cơ thể suy kiệt, sa sút tinh thần và đặc biệt là những người nhậu say đi trong thời tiết giá lạnh hoặc ngủ trong phòng máy lạnh nhiệt độ thấp…
Nó biểu hiện bằng một bên mặt bị xệ, hơi cứng, miệng méo sang một bên, mắt không thể nhắm kín, khi uống nước hay ăn cơm thường bị rơi vãi ra ngoài, khó cười nói, khó nhắm mắt, khó cử động cơ mặt, đau trong tai, nhức đầu, mất vị giác, nước bọt tiết ra nhiều hơn bình thường…
Méo miệng dạng nhẹ có thể phục hồi nếu chữa trị ngay nhưng nếu nặng, để lâu sẽ gây biến chứng cho mắt. Khi ấy mắt chỉ còn lộ lòng trắng do liệt cơ khép vòng mi khiến nhãn cầu bị đẩy lên. Và bởi vì mắt không thể nhắm kín, không chớp được khiến mắt luôn bị đỏ, bị khô, bị bụi bẩn bay vào dẫn tới loét giác mạc, thậm chí mù lòa.
Điều nguy hiểm của méo miệng là rất dễ tái phát, và nếu tái phát từ lần thứ 3 trở đi trên cùng một nhánh thần kinh số 7 thì hầu như không thể điều trị được nữa. Mặt sẽ bị liệt vĩnh viễn.
Theo các khảo sát, chứng méo miệng nếu được điều trị bằng châm cứu kết hợp xoa bóp bấm huyệt, uống thuốc Đông y sẽ cho hiệu quả rất cao. Chỉ cần bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện ngay sau khi bị méo miệng thì trong vòng 2 đến 3 ngày, méo miệng có thể giảm 90%. Trường hợp chậm trễ, bệnh diễn tiến nặng hơn, phải mất ít nhất 4 đến 6 tuần và phải điều trị 2 hoặc 3 đợt mới khỏi hẳn.
Cần lưu ý rằng nếu đã bị méo miệng, tuyệt đối không chữa trị theo cách truyền khẩu như đi khoán bùa, dán bùa lên chỗ méo, uống nước tàn nhang, dùng gấu quần phụ nữ xoa vào chỗ méo…, vì không những đã không khỏi mà còn khiến việc điều trị kéo dài, khả năng phục hồi khó.
Bs CKI Y học cổ truyền VĨNH HỮU