Mái ấm cho những cụ già neo đơn

Thứ Hai, 25/11/2024, 17:45 [GMT+7]
In bài này
.

Hơn 10 năm thành lập, Mái ấm tình thương Giáo xứ Vinh Châu, xã Bình Giã, huyện Châu Đức là mái nhà chung của những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa.

Xơ Maria Lê Thị Hồng Trúc hướng dẫn các cụ sinh hoạt ngoài trời.
Xơ Maria Lê Thị Hồng Trúc hướng dẫn các cụ sinh hoạt ngoài trời.

Không còn phải lo lắng

Chúng tôi đến thăm Mái ấm tình thương Giáo xứ Vinh Châu vào buổi sáng, khi các cụ được nuôi dưỡng tại đây đang tập hát. Xơ Maria Lê Thị Hồng Trúc hướng dẫn các cụ một ca khúc vui vẻ, rồi mời một cụ bắt nhịp cho mọi người cùng hát theo. Khoảng sân nhỏ vang tiếng hát khiến không khí trở nên vui vẻ, ngọt ngào.

Sau 30 phút, các cụ bắt đầu hoạt động sinh hoạt ngoại khóa. Xơ Hồng Trúc hướng dẫn mỗi người một hoạt động: Dì Sen, dì Phận và chú Ái ra phơi nắng sớm cho ấm và tập vật lý trị liệu nhé. Dì Hằng cắt cho con một số hình ảnh để chuẩn bị trang trí nha. Chú Dũng, dì Sim tập viết, tô các chữ trong trang viết này…

Cụ Trịnh Thị Sim, 84 tuổi (TP.Hồ Chí Minh), vào đây hơn 5 năm. Cụ Sim sống một mình, không người thân thích. Khi còn trẻ, cụ làm thuê làm mướn, bán vé số. 5 năm trước, cụ bị té, gãy chân. Thấy cụ không nơi nương tựa, mọi người giới thiệu cụ vào Mái ấm. “Vào đây tôi được hướng dẫn trị liệu để phục hồi chân. Tôi cũng không còn phải lo cơm áo gạo tiền nên khỏe hơn. Hàng ngày, tôi phụ các xơ quét sân, rồi học chữ. Từ người không biết chữ, giờ tôi đã biết đọc những câu đơn giản”, cụ Sim khoe.

Với cụ Lê Văn Chiêm, 90 tuổi (An Giang), Mái ấm cũng là nơi để cụ sống bình yên những năm tháng tuổi già. Cụ Chiêm từng 3 lần bị tai biến, khi mới được đưa vào Mái ấm 3 năm trước, cụ không nói được và khó khăn trong vận động.

“Ở đây, tôi được chăm sóc tận tình, được tập vật lý trị liệu, châm cứu nên bây giờ tôi có thể nói và đi lại chậm rãi. Hằng ngày mọi người trò chuyện, động viên nên tôi không còn cô đơn như trước nữa”, cụ Chiêm vừa cắt những bức hình trong cuốn tập tô màu, vừa vui vẻ trả lời.

Chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ

Mái ấm tình thương Giáo xứ Vinh Châu rộng khoảng 1.200m2, được xây dựng trên nền đất do khi một người dân hiến tặng. Mái ấm gồm 1 sân chơi sinh hoạt chung và 7 phòng, gồm: phòng khách, phòng đọc, phòng ăn, nhà tang lễ…  Đây là nơi thường xuyên nuôi dưỡng, chăm sóc từ 18-20 cụ già neo đơn. 38 cụ đã qua đời tại đây, được Giáo xứ chôn cất tươm tất.

Mái ấm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 18 cụ già (từ 60 đến 90 tuổi), tất cả đều là người neo đơn, người lang thang không nơi nương tựa.

Chương trình sinh hoạt tại Mái ấm được lên lịch hàng ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 8 giờ 30 tối. Các cụ ăn sáng, tập thể dục, sinh hoạt ngoài trời, kiểm tra sức khỏe, đi dạo… Tất cả các cụ đều có nhiều bệnh nền, sức khỏe yếu, nên phải chăm sóc thường xuyên. Khi các cụ gặp vấn đề về sức khỏe, các xơ, tình nguyện viên sơ cấp cứu tại chỗ cho các cụ. Nếu sức khỏe các cụ không ổn, sẽ có xe đưa các cụ vào viện khám, điều trị, và tình nguyện viên lại thay phiên nhau chăm sóc cho tới khi các cụ ra viện, về lại Mái ấm.

Hiện Mái ấm có 4 người phục vụ thường xuyên và khoảng 30 tình nguyện viên thay phiên nhau hỗ trợ, trò chuyện, giúp các cụ tập vật lý trị liệu, hoặc tạo một số trò chơi nhỏ để các cụ vui vẻ hơn.

“Tùy khả năng mỗi cụ, các xơ sẽ có những bài tập khác nhau. Một số cụ được các xơ dạy chữ, một số cụ tập tô màu, chép các bản nhạc, hoặc trang trí theo chủ đề trong tháng. Những sân chơi nhỏ giúp các cụ minh mẫn hơn, cảm thấy sống có ích, và mỗi ngày trôi qua vui vẻ hơn”, ông Đặng Đình Ước, Trưởng Ban Bác ái Giáo xứ Vinh Châu cho hay.

“Mái ấm tình thương Giáo xứ Vinh Châu là nơi nuôi dưỡng, nâng đỡ những cụ cao tuổi không có nơi nương tựa. Hoạt động của Mái ấm đã góp phần cùng xã hội chăm lo cho người cao tuổi trên địa bàn xã Bình Giã nói riêng, toàn tỉnh nói chung”, ông Hồ Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giã, huyện Châu Đức nhận xét.

Không chỉ hoạt động thể chất, từng bữa ăn, giấc ngủ của các cụ cũng được chăm chút. Các bữa ăn được đổi món thường xuyên, đa dạng chất và chủ yếu là luộc, hấp mềm, để bảo đảm sức khỏe cho các cụ. Bữa sáng, bếp thường nấu: cháo, nui, mì, bún; bữa trưa và chiều là cơm cùng món mặn và rau, canh. “Món ăn ở đây ngon lắm, bếp nấu thay đổi mỗi ngày nên ai cũng thích”, cụ Võ Quang Tuyên (huyện Xuyên Mộc) nói.

Chăm người lớn tuổi đã khó, chăm những người ốm yếu, bệnh tật càng khó gấp bội, nhất là khi trái gió trở trời. Mái ấm được duy trì nhờ sự chung tay, yêu thương bác ái của giáo xứ, các giáo dân, các xơ và tình nguyện viên. Mỗi người đều thể hiện tình yêu thương, bác ái, chăm lo cho những mảnh đời may mắn, như chính người thân ruột thịt trong gia đình mình.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.