Lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp, đồng hành cùng người dân trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế... Long Điền từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.
Gia đình ông Nguyễn Hồng Hải (tổ 4, ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng) đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương. |
Sâu sát từng hoàn cảnh
Xã Phước Hưng là một trong những địa phương triển khai nhiều chính sách hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững, nhất là các mô hình sinh kế. Năm 2024, Phước Hưng còn 20 hộ nghèo, xã đang phấn đấu giảm thêm 7 hộ nghèo vào cuối năm. Để các mô hình sinh kế thực sự phát huy hiệu quả, xã đã khảo sát nhu cầu của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình khó khăn và duy trì việc chuyển giao kỹ thuật, đồng hành với từng hộ.
Đầu năm 2023, gia đình ông Nguyễn Hồng Hải (tổ 4, ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng) là 1 trong số 23 hộ được hỗ trợ mô hình sinh kế nuôi gà của xã Phước Hưng. Ông duy trì nuôi khoảng 100 con gà đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Ông Hải cho biết: “Vợ chồng tôi đều lớn tuổi. Hàng ngày, chúng tôi lột vỏ ghẹ thuê kiếm tiền công được hơn 100 ngàn đồng nên khó có cơ hội phát triển kinh tế. Từ khi được nhận mô hình sinh kế, tham gia lớp tập huấn chăn nuôi gà, tôi có thêm công việc trong lúc nhàn rỗi, nâng cao thu nhập. Từ sự hỗ trợ ấy, gia đình đã cố gắng và thoát nghèo vào cuối năm 2023”.
Từng là hộ khó khăn nhiều năm liền, gia đình ông Nguyễn Văn Bé (tổ 4, ấp Phước Lộc, xã Phước Hưng) đã vươn lên thoát nghèo nhờ sự đồng hành, tiếp sức của chính quyền địa phương. Cùng với các chính sách dành cho hộ nghèo, sau nhiều năm sinh sống trong căn nhà xuống cấp, niềm mơ ước được sống trong căn nhà khang trang của gia đình ông Bé đã trở thành hiện thực. Ông bà tuổi cao, không đủ điều kiện để làm nhà mới. Biết hoàn cảnh của ông bà, năm 2023, địa phương đã hỗ trợ 80 triệu đồng nhằm giúp gia đình xây dựng ngôi nhà ở kiên cố. Ông Bé phấn khởi chia sẻ: “Đây là nguồn động lực để chúng tôi vươn lên, chăm lo phát triển sản xuất, đóng góp tích cực vào các phong trào của địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Liễu (TT.Long Hải) cho biết, từ phương tiện sinh kế được hỗ trợ là chiếc xe bán vé số vào tháng 9/2024, vợ chồng bà đã có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. “Không chỉ hỗ trợ phương tiện mưu sinh, vợ chồng tôi còn được hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế. Với người nghèo lớn tuổi như chúng tôi, sự đồng hành này giúp chúng tôi trút bỏ gánh nặng chạy ăn từng bữa. Gia đình tôi biết ơn chính quyền địa phương nhiều lắm”, bà Liễu chia sẻ.
Đến cuối năm 2023, huyện Long Điền còn 144 hộ nghèo. Trong giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt vượt mục tiêu đề ra trước 2 năm. Huyện không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia. Thời gian tới, địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của cấp trên và đa dạng các hình thức giảm nghèo để giúp các hộ khó khăn ổn định, từng bước vươn lên cuộc sống. |
Huy động mọi nguồn lực chăm lo giảm nghèo
Phát biểu tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phó Bí thư Huyện ủy Long Điền Võ Hữu Hạnh nhấn mạnh, giảm hộ nghèo, tăng hộ có thu nhập khá là một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội và là tiêu chí phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì thế, huyện Long Điền đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo. Những năm gần đây, từ nguồn ngân sách Nhà nước, huyện Long Điền đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao; tổ chức các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; tạo mọi điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi, để đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, mô hình trao vốn, tạo sinh kế “trao cần câu” thay cho “xâu cá” được Long Điền xác định là “mũi nhọn” trong công tác giảm nghèo. Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, huyện đã tạo điều kiện cho 351 hộ nghèo, hộ thoát nghèo vay vốn tự tạo việc làm với tổng dư nợ trên 11 tỷ đồng; cấp 12.338 lượt thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết 109/2021/NQ-HĐND, huyện đã hỗ trợ chi phí học tập cho 726 HS với số tiền gần 850 triệu đồng; hỗ trợ 203 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với số tiền 6,4 tỷ đồng.
Sự linh hoạt trong việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế, hỗ trợ làm nhà ở... đã góp phần tạo diện mạo mới cho địa phương trên hành trình “giảm nghèo, tăng khá và giàu một cách bền vững”. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã khởi công xây dựng 21 căn và sửa chữa 17 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với trị giá hơn 2,2 tỷ đồng.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN