Ông bà ta nói: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, tuy nhiên không phải mối quan hệ máu mủ này lúc nào cũng êm ấm bởi đôi khi “gà cùng một mẹ cũng... hoài đá nhau”. Trong trường hợp này, người trong cuộc phải xử sự như thế nào để khắc phục sự bất hoà, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình?
Dù là anh em trong cùng một nhà, mọi người cũng cần mở lòng với nhau, độ lượng cho nhau bởi có những khúc mắc nhỏ, nếu cứ chấp nhất, mâu thuẫn cứ thế sẽ chồng chất, kéo theo rạn nứt, mất tình cảm anh chị em. |
Không tìm được tiếng nói chung
Gia đình chị Thủy (phường 12, TP. Vũng Tàu) có 3 anh chị em, chị Thủy là con út, anh hai, chị ba đã lập gia đình và ra ở riêng, hàng tuần vẫn lui tới chăm nom ba mẹ. Chị Thủy kể, khi còn bé chúng tôi rất yêu mến nhau, nhường nhịn nhau và thương yêu ba mẹ. Ấy thế mà suốt 5 năm qua, chỉ vì mảnh đất thừa kế của ba mẹ mà mối quan hệ giữa 3 anh em trở nên căng thẳng.
Chuyện là sau khi ba qua đời, anh hai luôn nghía căn nhà cấp 4 và miếng đất của mẹ đang ở và liên tục dục bán đi để phân chia tài sản. Còn 2 cô em thì nhất quyết phản đối. Hễ cứ ngồi cùng nhau là cả 3 anh chị em lại tranh luận với nhau bất phân thắng bại.
“Chứng kiến cảnh các con sống thực dụng, cãi vã như thế, mẹ tôi không khỏi cảm thấy buồn tủi, tổn thương. Bà cứ nhắc đi nhắc lại rằng đất đai có thể kiếm được, nhưng tình anh em thì chỉ có một, một khi mất đi sẽ không thể tìm lại để nhắc khéo các con”, chị Thủy kể.
Tương tự, anh Hoàng (phường 3, TP. Vũng Tàu) cũng cảm thấy bất lực vì anh chị em trong nhà cho rằng anh giàu có mà ki bo, tính toán với gia đình lớn trong các đám tiệc, giỗ, tết, nhất là khi có họ hàng hỏi mượn. Anh Hoàn không thể giải thích mãi, vì không ai hiểu công việc của một doanh nghiệp cần cân nhắc vốn, thu, chi, lương bổng cho nhân viên, chi phí vận hành… rồi tài chính cần thiết cho vợ con cũng đủ khiến anh căng thẳng.
Cự cãi, mâu thuẫn nhiều lần, anh Hoàng bèn đưa mẹ ruột về ở với mình để tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng và để tránh gặp các anh em.
Một khảo sát của Trường ĐH Oakland, Mỹ chỉ ra rằng có 26% anh chị em ruột thịt (tuổi từ 18-65) luôn giúp đỡ, thường xuyên liên lạc với nhau và ít có sự ganh đua. Trong khi đó, có đến 19% nói rằng anh chị em họ thờ ơ với nhau và 16% ở cấp “mạnh” hơn là chống đối nhau.
Tương tự, một khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Gia đình Mỹ, chỉ 41% người trưởng thành cho biết duy trì quan hệ thân thiết với anh chị em ruột và 37% nói hơi thân thiết. Còn lại, 22% số người tham gia khảo sát cho biết họ không hề thân thiết với anh chị em trong nhà.
Dập tắt ngọn lửa xung đột
Ông bà có câu: “Nhịn một lúc sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Câu nói này thể hiện trí tuệ xử thế và khí chất làm người chân chính. Kể cả trong mối quan hệ giữa anh chị em trong gia đình cũng cũng không ngoại lệ. Dù là anh em trong cùng một nhà, mọi người cũng cần mở lòng với nhau, độ lượng cho nhau bởi có những khúc mắc nhỏ, nếu cứ chấp nhất, mâu thuẫn cứ thế sẽ chồng chất, kéo theo rạn nứt, mất tình cảm anh chị em.
Tuy nhiên, một khi giữa anh chị em đã xảy ra xung đột, vẫn còn có nhiều cách để tìm lại tiếng nói chung, giải tỏa những bất hòa. Cách tốt nhất là ngồi lại với nhau, thẳng thắn trao đổi những khúc mắc. Khi hoà giải, mỗi người nên cố gắng nhường nhịn nhau, nghĩ về nhau, tìm mọi cách để dung hòa lợi ích có thể chấp nhận được.
Việc xây dựng văn hóa trong gia đình, đồng thời để gỡ mối bất hòa giữa những đứa con, cha mẹ cũng không thể là khán giả của trận bóng chúng đang miệt mài đá mà cần trở thành vị trọng tài anh minh. Đó là vị trọng tài luôn quan sát tỉ mỉ mọi diễn biến của “trận đấu”, luôn đưa ra những lời khuyên thích đáng, hiệu quả, luôn lắng nghe lời giải thích của các “cầu thủ” và sẵn sàng “rút thẻ phạt” khi cần thiết.
Sự căng thẳng trong quan hệ anh chị em ruột đều có thể được giải quyết êm đềm với điều kiện bạn phải nỗ lực cho điều đó, bởi sự mâu thuẫn đang ảnh hưởng đến chính gia đình thân yêu của bạn. Tình cảm với chị em ruột thịt luôn có sẵn trong tâm tưởng mỗi người và hãy để chính những tình cảm đó gắn kết các bạn lại với nhau.
THẢO NGUYÊN