Đổi mới chỉ đến từ sự thay đổi của từng nhà giáo

Thứ Ba, 19/11/2024, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Ngọc Châu khẳng định, với tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm, đội ngũ nhà giáo của tỉnh đang góp phần tích cực tạo nên những đổi mới của ngành giáo dục.

Học sinh hào hứng khi được bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận và viết văn bằng ngôn ngữ của chính mình chứ không phụ thuộc và văn mẫu. Trong ảnh: Tiết Tập làm Văn do cô Trần Thuỵ Anh giảng dạy tại Trường TH Đoàn Kết (TP. Vũng Tàu).
Học sinh hào hứng khi được bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận và viết văn bằng ngôn ngữ của chính mình chứ không phụ thuộc vào văn mẫu. Trong ảnh: Tiết Tập làm Văn do cô Trần Thuỵ Anh giảng dạy tại Trường TH Đoàn Kết (TP. Vũng Tàu).

Những tiết học đầy hào hứng

Sáng 19/11, trong tiết Tiếng Việt của lớp 5E, Trường TH Đoàn Kết (TP.Vũng Tàu), chúng tôi cảm nhận được không khí học tập sôi nổi, hào hứng của các em HS. Với bài “Tìm ý, lập dàn ý cho bài văn kể chuyện sáng tạo”, cô Trần Thụy Anh, GV chủ nhiệm lớp dẫn dắt  bằng cách cho các em kể tên những câu chuyện mình đã đọc và giới thiệu câu chuyện “Sự tích cây thì là”.

Với kỹ thuật dạy học “khăn trải bàn”, kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm, sau khi cho HS đọc câu chuyện, cô Thụy Anh yêu cầu các em xác định phần mở đầu, diễn biến và kết thúc của câu chuyện. Ở phần diễn biến, cô Thụy Anh chọn một chi tiết để phân tích mở rộng, tạo sự sinh động, hấp dẫn.

Trong suốt tiết dạy của mình, cô Thụy Anh vừa dẫn dắt, vừa khơi gợi để học trò nhỏ phát huy trí tưởng tượng và hướng dẫn HS lập dàn ý viết bài văn kể chuyện bằng ngôn ngữ của chính mình.

“Chúng tôi không chờ đợi những bài văn hoàn hảo, những câu văn bóng bẩy, ước lệ giống văn mẫu. Chúng tôi muốn có sự chân thực, những cảm xúc trong trẻo, tự nhiên đến từ các em. Dẫu còn vụng về, dẫu có “ấp a ấp úng” thì đó cũng là cách diễn đạt chân thực của chính các em chứ không phải sản phẩm vay mượn”, cô Thụy Anh chia sẻ.

Dám đổi mới, giáo viên phải chấp nhận những bài văn ngắn ngủn, những câu chữ ngô nghê. Cũng không có những điểm 9, điểm 10 làm hài lòng tất cả. Nhưng đổi lại, là sự thích thú của HS trong từng tiết học. Các em tiến bộ dần qua cách chia sẻ cảm xúc, nói lên suy nghĩ riêng tư. “Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc, từng thầy cô, từng HS, phụ huynh phải thay đổi, để có sự thay đổi lớn của giáo dục”, cô Thụy Anh bày tỏ.

Đến với lớp 4-5 của cô Nguyễn Thị Quế Anh, Trường MN Hoa Sen (huyện Đất Đỏ), chúng tôi nhận thấy, ở đây, các bé được chủ động trong tất cả các hoạt động học tập. Mỗi buổi học, cô Quế Anh không gò ép hay cung cấp thông tin một chiều mà gợi ý những nội dung trọng tâm để các bé sẽ tự quan sát, khám phá và đặt câu hỏi ngược lại cho cô giáo. Cô Quế Anh cho hay: “Các bé ở độ tuổi này rất thích khám phá nên thường đặt rất nhiều câu hỏi. Mình sẽ trả lời tất cả câu hỏi của bé. Cho dù những câu hỏi ấy có thể rất ngô nghê và… nhiều vô kể. Trong các buổi học mình cũng thường cho các bé chơi những trò chơi có kết hợp âm nhạc và vận động. Các bé rất thích thú với hoạt động này”.

Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp “Lấy trẻ làm trung tâm” cho việc chăm sóc giáo dục trẻ, trong các hoạt động học cũng như chơi, cô Quế Anh đều cho trẻ nói lên ý kiến của mình. Từ đó cô sẽ tổng hợp ý kiến của trẻ cùng với mục đích của hoạt động để có những phương pháp giảng dạy phù hợp. Đặc biệt, khi trẻ làm sai, cô không trách móc mà giúp trẻ nhận ra cái sai của mình và hướng cho các con cách giải quyết.

Không ngừng học hỏi, đổi mới

Cô Nguyễn Thị Quế Anh cho biết, trong những năm học gần đây chương trình giáo dục MN đã có những đổi mới quan trọng. Để không lạc hậu với xu thế giáo dục hiện đại, bản thân cô Quế Anh cũng như những đồng nghiệp đã chủ động học hỏi thêm một số kỹ năng và kiến thức như: mô hình giáo dục Steam, quyền con người, phát triển tâm lý trẻ, giáo dục hoà nhập, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, cách xây dựng môi trường học tập tích cực, kỹ năng giao tiếp với trẻ, với phụ huynh, kỹ năng quản lý stress…

Học sinh Trường TH Đoàn Kết (TP. Vũng Tàu) hào hứng khi được bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận và viết văn bằng ngôn ngữ của chính mình chứ không phụ thuộc và văn mẫu.
Học sinh Trường TH Đoàn Kết (TP. Vũng Tàu) hào hứng khi được bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận và viết văn bằng ngôn ngữ của chính mình chứ không phụ thuộc vào văn mẫu.

“Đặc biệt, trong thời đại 4.0, Mỗi GV cần phải thay đổi để thích ứng với những xu hướng mới, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Bản thân thân tôi đã học hỏi, tìm hiểu các công cụ, phần mềm hỗ trợ giảng dạy như các ứng dụng học tập trực tuyến Zoom, Google classroom… hay các công cụ AI Canva, Gamma, Slides AI…”, cô Quế Anh nói.

Còn theo bà Phạm Thị Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TH Đoàn Kết, việc đổi mới phương pháp dạy học phát huy năng lực phẩm chất HS thực chất là việc giúp HS biết cách học gì và vận dụng kiến thức đó như thế nào vào thực tiễn. Để làm được điều này, các thầy cô giáo phải luôn có ý thức nâng cao ý thức tự học, tự sáng tạo, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, đi sâu bồi dưỡng chuyên môn.

Tại Trường TH Đoàn Kết, ngay khi chuẩn bị bước vào đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thống nhất quy chế hoạt động chuyên môn và phối hợp xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, có nhiều hoạt động chuyên môn thiết thực như thống nhất tổ chức các chuyên đề, hội giảng, các hội thi liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức Hội thi GV giỏi, Hội thi viết chữ đẹp cấp trường nhằm bồi dưỡng chuyên môn, rèn luyện kỹ năng sư phạm cho GV toàn trường. Đó là những tiền đề vũng chắc cho đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.

Để tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, thời gian tới, ngành sẽ tấp trung thực hiện nhiệm vụ  huy động trẻ, triển khai chương trình giáo dục MN mới, phổ cập MN theo độ tuổi; bảo đảm đủ GV, đủ cơ sở vật chất để GV an tâm công tác.
Bên cạnh đó, ngành sẽ đánh giá quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông để rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nội dung cần thiết để thực hiện đổi mới theo chiều sâu. Trong đó, lưu ý tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ 2 như trong Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo cần được trau dồi, phát triển trong thách thức mới của giáo dục số, của trí tuệ nhân tạo (AI) và của sự phát triển, biến đổi nhanh chóng, không ngừng của khoa học, công nghệ…
(Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Ngọc Châu)

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, thời gian qua, hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục diễn ra sâu rộng, thống nhất trên phạm vi cả nước, ở tất cả các cấp học, bậc học, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhờ đó, chất lượng GD-ĐT của tỉnh ở các cấp học, bậc học không ngừng được đổi mới và nâng cao. Đối với giáo dục phổ thông, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 có sự chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất năng lực người học. Chu trình 5 năm đầu tiên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại trà ngày càng gia tăng.

“Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, cùng sự nhiệt huyết, trách nhiệm, không ngừng học hỏi, đội ngũ nhà giáo của tỉnh góp phần rất lớn vào những thành tích đạt được của toàn ngành, đặt biệt là việc triển khai Chương trình GDPT 2018”, bà Châu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.