.

Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: 3 môn chính thay đổi theo hướng nào?

Cập nhật: 17:48, 07/11/2024 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT vừa công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Nhận định bước đầu, đề thi có nhiều điểm mới, bảo đảm sự phân hóa, nhưng cũng là thử thách không nhỏ cho cả học sinh (HS) và giáo viên (GV).

Từ năm 2025, thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018. Trong ảnh: Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi THPT Trần Nguyên Hãn (TP.Vũng Tàu).
Từ năm 2025, thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018. Trong ảnh: Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại điểm thi THPT Trần Nguyên Hãn (TP.Vũng Tàu).

Môn Văn - Sẽ không còn “lạm phát” điểm

Cô Đỗ Thị Thúy Dương, GV Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận định, trước hết, đề tham khảo môn Ngữ văn vừa công bố đã bớt “cồng kềnh” so với đề minh họa công bố cuối năm 2023. Về hình thức, đề chỉ có 1 trang thay vì 2 trang như trước đó. Về nội dung, thí sinh chỉ phải đọc hiểu một văn bản. Phần viết đoạn văn có kết nối với phần đọc hiểu trong khi đề lần 1 yêu cầu làm việc với 2 văn bản độc lập.

Theo cô Thúy Dương, đối chiếu với năm 2024, độ khó tăng lên là điều tất yếu từ trong bản chất chương trình. Bởi lẽ, đề tốt nghiệp “kiểu cũ” kiểm tra viết bài với văn bản đã học. Học trò đều được chuẩn bị trước dẫn tới “lạm phát” điểm môn Văn.

Còn đề tốt nghiệp theo chương trình GDPT 2018, phần viết nghị luận văn học bắt buộc các em phải tư duy, cảm nhận văn bản hoàn toàn mới. Mặt khác, nhìn vào đề cụ thể lần này, bên cạnh câu viết đoạn phân tích hình ảnh trong thơ, phần viết nghị luận xã hội thường sẽ khó học tủ được, nhất là khi kiểm tra vào dạng viết bài, về một vấn đề đương đại, gắn với tuổi trẻ cùng cách đặt vấn đề hai chiều. Với hướng ra đề này, sẽ khó có tình trạng điểm cao chót vót.

Bên cạnh đó, cấu trúc đọc hiểu (4 điểm) gồm 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu, 1 câu vận dụng cùng các dạng câu hỏi không quá khác biệt so với đề thi cũ nhưng vẫn phù hợp các yêu cầu cần đạt khi đọc hiểu thể loại. Phần Viết (6 điểm) gồm 1 câu viết đoạn 2 điểm về một khía cạnh trong văn bản thơ, 1 câu viết bài 4 điểm về một vấn đề xã hội liên quan tới tuổi trẻ. Đề phù hợp với năm đầu chuyển tiếp, tạo sự an tâm nhất định cho người dạy và người học.

“Tựu trung, tôi cho rằng đề lần này sát thực tiễn, có tính nhân văn và phân loại được HS”, cô Thúy Dương khẳng định.

Môn Toán - Hạn chế yếu tố may rủi

Thầy Trần Quang Vinh, GV Bộ môn Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, đề tham khảo ra đúng cấu trúc đã được Bộ GD-ĐT ban hành với 3 phần: Trắc nghiệm nhiều lựa chọn; Câu hỏi đúng/sai; Câu trả lời ngắn.

Trong đó, phần 1 là câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn với 12 câu (3 điểm) là những câu hỏi ở mức biết và hiểu. HS ôn tập kỹ kiến thức cơ bản có thể dễ dàng làm được. Phần này có 4 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 là công thức mũ, logarit, cấp số cộng và quan hệ vuông góc trong không gian.

Phần 2 là câu hỏi đúng/sai gồm 4 câu, trong đó có 2 câu hỏi về mô hình toán học. Cả 4 câu hỏi đều được thiết kế giống như tiến trình để giải một bài toán. Ở mỗi ý của đề bài sẽ “dẫn dắt” HS đi tìm lời giải cuối cùng cho bài toán. Để làm trọn vẹn 4 câu hỏi này, HS phải có năng lực tốt, nhất là năng lực mô hình hóa toán học.

Phần 3 là câu trả lời ngắn, gồm 6 câu hỏi. HS phải giải được ra đúng đáp số thì mới có thể điền vào bài làm của mình. Đây là phần kiểm tra năng lực thật sự, không còn yếu tố may rủi. Phần này có một câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 là hình học không gian. Các câu hỏi phần này đa số đánh giá năng lực mô hình hóa toán học và đều nằm ở mức độ vận dụng. Đặc biệt có một câu hỏi thuộc về lý thuyết đồ thị trong chuyên đề Toán lớp 11.

Thầy Trần Quang Vinh đánh giá: “Về tổng quan, đề thi có mức độ phân hóa rất cao, là thử thách thật sự cho cả HS và GV bước đầu làm quen với cách đánh giá năng lực theo chương trình GDPT 2018. Phần điểm cao (trên 7) đã không còn chỗ cho yếu tố may rủi mà phải đòi hỏi thí sinh có năng lực thật sự”.

Tiếng Anh - Thí sinh phải đọc hiểu văn bản nhiều hơn

Cô Đậu Huỳnh Cẩm Tú, GV Bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) cho hay, điểm mới của đề thi tham khảo là lồng ghép kiểm tra từ vựng và ngữ pháp vào phần đoạn văn điền từ, ví dụ: thể của từ, rút gọn mệnh đề quan hệ, trật tự từ, giới từ, cụm động từ, liên từ... Đây là một điểm mới và cũng là chỗ tăng độ khó thêm cho việc kiểm tra từ vựng và ngữ pháp.

Trong đề tham khảo, có 5 đoạn văn bản mà thí sinh cần sắp xếp. Trong đó có 2 đoạn hội thoại, 1 lá thư và 2 đoạn văn. Đây là dạng bài hoàn toàn mới, không có trong đề tốt nghiệp các năm trước. Nếu không làm quen, thí sinh sẽ lúng túng khi thực hiện.

Cùng với đó, thay vì kiểm tra từ đồng nghĩa và trái nghĩa theo từng câu tách biệt như trước kia, đề thi tham khảo từ 2025 đã đưa 2 câu đồng nghĩa và 2 câu trái nghĩa vào trong đoạn văn. Điều này bắt buộc thí sinh phải đọc đoạn văn bản và dựa vào ngữ cảnh mới đưa ra đáp án đúng.

Ngày 18/10/2024, Bộ GD-ĐT đã công bố 18 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ - Công nghiệp, Công nghệ - Nông nghiệp, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn.
Theo đó, đề thi tham khảo bảo đảm đúng quy định về cấu trúc, định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đồng thời bám sát Chương trình GDPT 2018 và chủ yếu là lớp 12. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Cô Cẩm Tú cho biết thêm, trong bài đọc hiểu từ câu 31 đến câu 40, có một dạng câu hỏi hoàn toàn mới, đó là chèn một câu vào đoạn văn bản với 4 vị trí được đánh dấu trong văn bản. Kiểu câu này không dễ, đòi hỏi thí sinh phải đọc và nắm cấu trúc của văn bản để tìm chỗ chèn vào cho thích hợp. Cũng trong bài đọc hiểu từ 31 đến 40 có 3 câu hỏi yêu cầu HS đọc và chọn được câu tóm tắt, gồm 2 câu tóm tắt đoạn văn bản và 1 câu tóm tắt toàn bài.

Đánh giá chung về đề tham khảo, cô Cẩm Tú cho hay, với cách ra đề như trên, thí sinh phải đọc hiểu văn bản nhiều hơn. Không chỉ vậy, những gì cần kiểm tra đều được lồng ghép vào kỹ năng đọc hiểu.

“Một điều không thể tránh là đọc hiểu nhiều sẽ gây ra sự mệt mỏi cho HS. Việc kiểm tra kiến thức của HS có thể có sự phân hóa để tìm ra HS khá giỏi. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, đề nên đa dạng các dạng bài, chứ không nên chỉ tập trung vào kỹ năng đọc hiểu”, cô Tú bày tỏ quan điểm.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.