.

Bất cập thu nhập của nhân viên y tế - Kỳ 3: Tăng lương, phụ cấp để thu hút, giữ chân nhân tài

Cập nhật: 17:49, 29/11/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Bộ Y tế vừa đề xuất tăng lương và phụ cấp mổ, trực, ăn cho nhân viên y tế gấp 2-3 lần so với quy định. Sự điều chỉnh này tuy chậm trễ nhưng cần thiết, nhằm bảo đảm thu nhập cho người lao động ngành y.

Nhân viên y tế kỳ vọng, thu nhập của họ sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Nhân viên y tế kỳ vọng, thu nhập của họ sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Đề xuất tăng lương và phụ cấp

Theo dự thảo mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận, với tiền trực 24/24 giờ, Bộ đề xuất điều chỉnh mức từ 115 lên 325 ngàn đồng/người/phiên trực (bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt); tăng từ 90 lên 255 ngàn đồng (bệnh viện hạng 2); từ 65 lên 185 ngàn đồng (cơ sở y tế còn lại). Trạm y tế xã cũng được điều chỉnh tăng gấp 3 từ 25 lên 75 ngàn đồng.

Đối với chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, Bộ Y tế đề xuất tăng từ 2-3 lần so với quy định hiện nay. Cụ thể, phẫu thuật viên chính của ca mổ loại đặc biệt tăng từ mức 280 lên 510 ngàn đồng; với ca mổ các loại I, II và III, mức tăng cho phẫu thuật viên chính lần lượt là 230, 120 và 95 ngàn đồng. Người gây mê hồi sức hoặc châm tê chính trong ca mổ loại đặc biệt được đề xuất mức phụ cấp tăng lên 565 ngàn đồng; ca mổ các loại I, II, III có mức tăng tương ứng lần lượt là 130, 80 và 35 ngàn đồng.

Ngoài ra, tại phiên trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan còn đề xuất quy định cho bác sĩ học 6 năm ra trường được xếp lương bậc 2, thay vì xếp lương vẫn bậc 1 như các cử nhân ngành nghề khác.

Khi nghe được thông tin trên, người làm việc trong ngành y tế tỉnh đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và mong dự thảo trở thành hiện thực. Bác sĩ Văn Viết Thắng, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Vũng Tàu) cho hay, so với bạn bè cùng trang lứa, nhiều người có thu nhập cao dù họ không làm việc ở môi trường cường độ cao như anh. Vì thế, mức phụ cấp trực theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg gây nhiều thiệt thòi cho y, bác sĩ. Do đó, anh hy vọng đề xuất tăng mức phụ cấp mổ, trực, ăn cho đội ngũ y, bác sĩ đợt này sẽ được thông qua. Điều này vừa là nguồn động viên, vừa cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế.

“Có mức phụ cấp cao hơn, đời sống vật chất của chúng tôi được nâng lên. Nhân viên y tế sẽ yên tâm làm việc và không ngừng học tập, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân”, bác sĩ Thắng bày tỏ.

Tăng nguồn thu cho bệnh viện

Bác sĩ Dương Thanh, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa thừa nhận, hiện lương và chế độ phụ cấp của nhân viên y tế chỉ mới bảo đảm một phần cuộc sống. Do đó, việc Bộ Y tế đề xuất tăng mức phụ cấp và lương cho bác sĩ mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước dành cho nhân viên ngành y. Đây cũng được xem là chính sách tăng thu nhập, giúp người lao động có cuộc sống tốt hơn; đồng thời, còn thu hút, giữ chân để nhân viên y tế tiếp tục cống hiến và gắn bó lâu dài với bệnh viện.

Theo đề xuất đợt này, nhân viên y tế ở các trạm y tế cũng được tăng phụ cấp trực. Trong ảnh: Nhân viên Trạm Y tế xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) tiêm vắc xin cho trẻ.
Theo đề xuất đợt này, nhân viên y tế ở các trạm y tế cũng được tăng phụ cấp trực. Trong ảnh: Nhân viên Trạm Y tế xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) tiêm vắc xin cho trẻ.

Theo bác sĩ Dương Thanh, việc đề xuất tăng phụ cấp và lương cho nhân viên y tế cũng có mặt trái của nó, gây ra nỗi lo cho các bệnh viện được giao tự chủ tài chính (nhóm 2) như Bệnh viện Bà Rịa. Bởi, bệnh viện đang thực hiện giá khám, chữa bệnh ở mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng. Trong khi đó, từ ngày 1/7/2024 đến nay, Bệnh viện Bà Rịa đã chi trả tiền lương theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng. Việc giá viện phí chưa tăng theo chính sách cải cách tiền lương đã ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện.

Cùng chung hoàn cảnh, Bệnh viện Vũng Tàu bày tỏ lo ngại khó bảo đảm tài chính để chi các hoạt động thường xuyên, trong đó có lương, phụ cấp cho nhân viên y tế. Lãnh đạo bệnh viện thông tin, mức thu viện phí hiện nay chưa tính đúng, đủ các chi phí. Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, giá viện phí ở cơ sở y tế công mới được tính 4/7 yếu tố, chưa có 3 yếu tố gồm: khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản; chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Điều này gây khó khăn về tài chính cho đơn vị.

Theo đánh giá của Sở Y tế, nhân viên y tế làm việc trong môi trường đặc thù nên rất cần mức lương, phụ cấp tương xứng. Vì vậy, Sở thống nhất với các nội dung, mức chi phụ cấp dành cho các đối tượng được Bộ Y tế đề xuất.

Để tăng nguồn thu cho bệnh viện, các đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, có việc giảm chi cho các hoạt động không cần thiết; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát triển thêm nhiều dịch vụ, kỹ thuật mới để thu hút bệnh nhân. Các bệnh viện đã xây dựng phương án giá dịch vụ khám, chữa bệnh ở mức lương cơ sở mới - 2,34 triệu đồng. Mặt khác, đề nghị Bộ Y tế cần tính đủ cả 7 yếu tố trong kết cấu giá viện phí cho các bệnh viện.

Ngoài ra, các bệnh viện còn góp ý cho dự thảo quyết định về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Theo đó, năm 2025, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí bằng ngân sách cho cả các bệnh viện tự chủ tài chính nhóm 1, 2 để thực hiện chế độ chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế trong trường hợp không bảo đảm nguồn tài chính.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.