Ước mơ của mẹ là gì vậy ạ?

Thứ Sáu, 18/10/2024, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Đã bao giờ bạn tự hỏi “Ước mơ của mẹ là gì chưa?”. Tôi dám chắc đa số trong chúng ta hầu như chỉ nghĩ về sau này chúng ta trở thành ai, như nào, chứ chưa lúc nào hỏi mẹ của mình về ước mơ khi bằng tuổi chúng ta.

Người ta vẫn nói phụ nữ như là đóa hoa hồng mà năm tháng tỉa dần từng cánh. Thời thanh xuân, son sắc tươi đẹp qua đi, ngắn ngủi như một giấc mơ. Những ước mơ lấp lánh thời thiếu nữ trôi xa, còn lại với hiện tại những ước mơ rất thực, rất đời của mẹ.

Hôm ấy, ngày đầu nhận lớp 10, giáo viên chủ nhiệm hỏi cả lớp về ước mơ của mỗi người. Ngay lúc đó tôi cũng chẳng biết tương lai bản thân muốn trở thành người như nào. Giấu trong lòng. Trên đường về, sau lưng mẹ, tôi hỏi: “Mẹ ơi, trước đây mẹ ước mơ làm nghề gì?”. Mẹ đáp:

- Trước đây mẹ muốn làm giáo viên dạy Văn.

Trong đầu tôi khi ấy nảy ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao, mẹ lại từ bỏ ước mơ. Ước mơ của mẹ đẹp thế cơ mà.

Mẹ kể:

- Năm ấy là những năm 89-90, mẹ bỏ thi để Nam tiến vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vào Nam mẹ gặp ba rồi quên béng mất ước mơ của mình.

Mẹ vì gia đình từ bỏ ước mơ, rồi lại vì gia đình mà quên đi ước mơ ấy. Có phải bức tranh mà mẹ hằng ao ước vẽ nên đã bị tàn phá trong chính dòng thời gian của mẹ. Năm tháng tựa nước trôi, như cách nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì: Bước qua “quán trọ ven đường” rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, tan biến như bong bóng nước. Duy chỉ có những nỗi niềm được nâng niu, nuôi dưỡng từ hiện thực sẽ sống mãi với cuộc đời của mẹ. Với mình, có lẽ bản thân mẹ luôn hằng mong ước quay trở lại lúc xưa. Quay lại lúc mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn con đường khác cho mình, quay lại lúc mẹ quyết định đánh đổi tương lai của bản thân vì tương lai của gia đình, từ bỏ hạnh phúc của chính mình.

Hòa vào màn đêm tối, mẹ chỉ lo “thu” chi và “thu” mình trong nhiều ngày tháng. Thu mình vì bản thân kém hơn những con người ở xã hội ngoài kia, thu mình vì gia đình chưa thoải mái hơn về tài chính. Mẹ chỉ vì mong cho mỗi bữa có được tô cơm đầy, bữa ăn gia đình ngon hơn mà khiến cho mẹ lại cau mày. Thậm chí cau mày cũng chỉ vì nuôi con lớn, phải thức dậy thật sớm; làm, làm, làm và mẹ làm nhiều việc hơn. Trời nóng bức, mẹ lại lo toan, nhường miếng thịt miếng canh cho con vì sợ bát cơm của con thêm khô khan.

Mẹ ơi!

Sau tất cả những gì mẹ đã chấp nhận hy sinh cho con, con nhận ra được khôn và lớn đó là lúc “ăn đòn của mẹ mà con không khóc nhưng lại khóc khi thấy đôi hàng mi mẹ đẫm lệ”. Đời mẹ buồn nhiều rồi, mẹ bảo có buồn thêm cũng chẳng sao. Nhưng với bản thân mẹ, mẹ đã cắm đầu vào làm để lo cho gia đình được bữa no bữa ấm. Thời gian ngủ còn không có chứ chưa nghĩ đến bạn bè!

Con luôn nhớ một câu mẹ từng nói: “Sống trên đời không bao giờ được run, vì run/giun thì chỉ đem mà đi buộc mồi câu”. Mẹ luôn cho con những lời khuyên về cuộc sống vì muốn đứa con của mình vững bước trên đường đời đầy chông gai bão tố phía trước. Vì thế nên, mỗi lần nghĩ về tình mẹ, về những người mẹ, con luôn thấy dâng tràn một lòng biết ơn và thương cảm lớn lao. Tình mẹ thiêng liêng, luôn mang lại cảm giác thật ấm áp, an toàn. Dẫu cho cuộc đời có đổi thay, tình mẹ vẫn luôn là thứ tình yêu cao đẹp, vững bền nhất. Đặc biệt luôn là điều con ấp ủ trong lòng “Con cảm ơn mẹ vì tất cả ạ!”.

Và mẹ ơi! Khi mà, mẹ mới tròn hai mươi, ước mơ của mẹ là đứng trên bục giảng để giảng bài. Giờ đây, con cũng yêu thích việc đứng trước các bạn và thầy cô để thuyết trình, tranh luận. Con nghĩ, bước đầu mình đã thành công trong việc làm điều mẹ thích. Và con hứa sẽ viết tiếp ước mơ dang dở của mẹ với khao khát được đứng trên bục giảng của con-chàng trai tuổi 17 của mẹ.

NGUYỄN LÊ MINH CƯỜNG

(Lớp 11D2 Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP.Vũng Tàu)

 
;
.