.

Trẻ bị nheo và dụi mắt liên tục là bệnh gì?

Cập nhật: 16:19, 11/10/2024 (GMT+7)

Hỏi: Con trai tôi 9 tuổi. Gần đây mỗi khi đọc sách, xem tivi, xem điện thoại hoặc máy tính bảng, cháu thường nheo mắt, dụi mắt liên tục thì mới nhìn thấy rõ. Tôi đã kiểm tra thì mắt cháu không đau, không sưng, không đỏ và không ra ghèn. Bác sĩ cho biết cháu có bị bệnh nào đó về mắt hay không?

(traxanh@gmail…)

Trẻ dễ bị tật khúc xạ nếu thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong môi trường thiếu ánh sáng và để quá gần mắt.
Trẻ dễ bị tật khúc xạ nếu thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong môi trường thiếu ánh sáng và để quá gần mắt.

Chào chị! Qua những mô tả của chị trong thư, tôi có cảm nghĩ cháu đã bị tật khúc xạ. Đây là là chữ dùng để chỉ các rối loạn về mắt khi nhìn vào một loại đồ vật nào đó nhưng thay vì nhìn thấy rõ ràng, sắc nét, thì nó bị mờ khiến người nhìn phải liên tục nheo mắt, dụi mắt hoặc để đồ vật vào gần sát mắt, hoặc để cách xa mắt thì mới thấy rõ.

Có 2 lý do chính gây ra các tật khúc xạ. Di truyền và môi trường, trong đó môi trường chiếm đa số, ngoại trừ lão thị do tuổi già, còn thì cận thị, viễn thị, loạn thị đều có điểm chung là do thói quen sinh hoạt không hợp lý như ngồi sai tư thế, đọc sách báo trong điều kiện thiếu ánh sáng, lạm dụng các thiết bị điện tử, tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ánh sáng mạnh như ánh nắng mặt trời, tia lửa hàn, đèn pha công suất lớn… Bên cạnh đó còn có các chấn thương ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và một số bệnh về mắt nhưng không được chữa trị kịp thời.

Người lớn mắc tật khúc xạ thường có biểu hiện nheo mắt kéo dài khi nhìn vào bất cứ thứ gì, hoặc nếu phải nhìn vào một vật nào đó, họ sẽ nhìn lâu hơn người bình thường vì mắt của họ cần có thời gian để điều tiết. Trẻ em mắc tật khúc xạ thì hay nhíu mắt, nheo mắt, chớp mắt hoặc dụi mắt nhiều lần khi đọc sách, xem tivi, quan sát đồ vật…

Vì thế, chị nên đưa cháu đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để thăm khám. Tại đây, cháu sẽ được khám khúc xạ mắt bằng bảng thị lực và máy khúc xạ tự động rồi tùy theo từng trường hợp bệnh lý, hoặc cháu sẽ được cho đeo kính, đặt kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ.

Tật khúc xạ tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt, làm việc hàng ngày. Vì thế, nếu đã có các dấu hiệu về tật khúc xạ, nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần đồng thời thay đổi môi trường làm việc sao cho luôn đủ ánh sáng. Để điện thoại, máy tính, sách báo cách mắt từ 50 đến 60cm mỗi khi nhìn, đọc. Áp dụng quy tắc 20-20-20 nghĩa là sau 20 phút xem điện thoại, máy tính chẳng hạn thì cho mắt nghỉ 20 giây rồi nhìn những cảnh vật cách xa khoảng 6m.

Với trẻ nhỏ, cần tập cho trẻ ngồi học đúng tư thế, đủ ánh sáng, kiểm soát thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử, cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, đưa trẻ đi thăm khám mắt mỗi năm 2 lần hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở,… để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ. Ngoài ra, chế độ ăn cho trẻ nên tăng cường các loại thực phẩm như khoai lang, cà rốt (cung cấp nhiều vitamin A), cải bó xôi, trứng (cung cấp lutein và zeaxanthin hỗ trợ bảo vệ võng mạc), sữa và các sản phẩm từ sữa (chứa vitamin A, kẽm)…

Bs TRỊNH THỊ HỒNG DƯƠNG

.
.
.