Thắp sáng khát vọng cho trẻ khó khăn

Thứ Sáu, 04/10/2024, 17:41 [GMT+7]
In bài này
.

Dự án “Thúc đẩy tiếp cận kỹ năng chuyển đổi và kỹ năng nghề cho trẻ em ngoài nhà trường ở Việt Nam” là kết quả hợp tác giữa UNESCO Việt Nam và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án đã mở ra cơ hội mới cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đánh thức ý chí vượt khó và khơi dậy khát vọng vươn lên của những mảnh đời kém may mắn trên địa bàn tỉnh.

Bà Miki Nozawa, Trưởng Chương trình giáo dục UNESCO Việt Nam trao chứng chỉ nghề cho học viên.
Bà Miki Nozawa, Trưởng Chương trình giáo dục UNESCO Việt Nam trao chứng chỉ nghề cho học viên.

Hành trình vươn lên

Sáng 3/10, khuôn viên Nhà xã hội Long Hải (huyện Long Điền) trở nên sống động hơn thường ngày. Ánh mắt lấp lánh niềm vui, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt những trẻ em, thanh thiếu niên khó khăn cầm trên tay chứng chỉ nghề. Mỗi em đều có một câu chuyện đầy xúc động, nhưng điểm chung là tất cả đều mang trong mình khát vọng vươn lên để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Huỳnh Gia Bảo, một em nhỏ đến từ KP.Hải An, TT.Long Hải, đã vượt qua nhiều thử thách để hoàn thành xuất sắc khóa học nghề bếp. Cuộc sống khó khăn khi mẹ mất sớm, ba làm nghề chài lưới, khiến tương lai của Bảo trở nên mịt mù. Nhưng chính dự án này đã giúp em thay đổi cuộc đời. Bên cạnh việc học nghề, Bảo còn nhận được học bổng hỗ trợ, mở ra cơ hội mới để em vững tin bước tiếp.

Nguyễn Thị Kim Hồng (KP. Hải Tân, TT.Long Hải), cũng là một trong những em được dự án hỗ trợ. Là chị cả trong gia đình có 5 chị em, Hồng đã phải gánh vác nhiều trách nhiệm. Nhờ khóa học làm bánh, Hồng tự tin hơn vào tương lai: "Giờ em không còn lo lắng quá nhiều vì đã có một nghề để tự kiếm sống", em chia sẻ. Hồng còn được học thêm kỹ năng mềm để sẵn sàng đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.

Cùng chung khát vọng vươn lên là Nguyễn Xuân Mạnh, đến từ KP.Hải Điền, TT.Long Hải. Sinh ra trong gia đình làm nghề đi biển, Mạnh từ nhỏ đã thấm thía sự gian nan, nguy hiểm của nghề. Khao khát tìm kiếm một công việc ổn định hơn, Mạnh vui mừng khi được tham gia khóa học làm bánh. Sau khóa học, em đã có thể tự tin nhận đặt hàng từ một số nơi để làm bánh cho các sự kiện. "Giờ em đã làm được bánh mì và nhiều loại bánh Âu đặc sắc, em sẽ tiếp tục phát triển con đường này", Mạnh hào hứng chia sẻ.

Sự đồng hành từ dự án

Bà Miki Nozawa, Trưởng Chương trình Giáo dục UNESCO Việt Nam cho biết, từ năm 2023, dự án đã được triển khai với mục tiêu trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên ngoài nhà trường các kỹ năng nghề và kỹ năng chuyển đổi cần thiết để hướng tới một cuộc sống và sự nghiệp tốt đẹp hơn. "Ngoài việc chúc mừng các em hoàn thành khóa học, chúng tôi cũng rất vui mừng khi phòng thực hành khởi nghiệp tại Nhà xã hội Long Hải đã được thành lập với sự hỗ trợ từ dự án", bà Miki chia sẻ.

Dự án thí điểm "Thúc đẩy tiếp cận bình đẳng kỹ năng nghề và kỹ năng chuyển đổi cho trẻ em và thanh thiếu niên ngoài trường ở Việt Nam" do Quỹ POSCO 1% (Hàn Quốc) tài trợ. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án đã hỗ trợ 200 học viên tham gia các lớp nghề tổ chức tại TT.Long Hải (huyện Long Điền) và TP.Vũng Tàu. Các lớp gồm kỹ thuật chế biến món ăn (99 học viên), kỹ thuật làm bánh cơ bản (71 học viên) và điện dân dụng (30 học viên). Trong quá trình học, mỗi em đều được hỗ trợ 100 ngàn đồng/ngày.

Bà cũng bày tỏ hy vọng rằng, sự đầu tư ban đầu này sẽ giúp các em thực hiện ước mơ sự nghiệp, không chỉ thay đổi cuộc sống của bản thân, mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho những người xung quanh. "Các em không đơn độc trên con đường này. Luôn có sự đồng hành từ các cơ sở đào tạo, thầy cô, phụ huynh và các doanh nghiệp để giúp các em phát triển bền vững và thành công", bà Miki nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.