Sinh động buổi truyền thông về giới

Thứ Sáu, 11/10/2024, 16:19 [GMT+7]
In bài này
.

Các khái niệm về giới, định kiến giới, phân biệt đối xử về giới, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới... đã được báo cáo viên Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em (CTXH&BTTE) tỉnh truyền tải đến các học sinh một cách dễ hiểu và sinh động.

Báo cáo viên và học sinh trao đổi kiến thức về giới, giới tính.
Báo cáo viên và học sinh trao đổi kiến thức về giới, giới tính.

Trao đổi cởi mở

Tại buổi truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, tổ chức vào ngày 7/10, hơn 100 học sinh Trường THPT Trần Quang Khải, huyện Long Điền đã được hướng dẫn phân biệt rõ ràng giữa giới và giới tính. Giới tính là sự khác biệt về sinh học giữa nam và nữ, tồn tại ngay từ khi sinh ra và không thay đổi. Trong khi đó, giới là những đặc điểm được hình thành qua quá trình học hỏi và phát triển của con người, chịu ảnh hưởng từ môi trường sống.

Ông Nguyễn Khắc Sỹ, cán bộ Trung tâm CTXH&BTTE tỉnh, báo cáo viên trong buổi tập huấn đã sử dụng phương pháp đặt câu hỏi và tương tác trực tiếp với học sinh để kiểm tra mức độ hiểu biết của các em về kiến thức giới. Chương trình còn lồng ghép các hoạt động nhóm, giúp học sinh phân biệt rõ hơn về giới và giới tính, đồng thời khuyến khích các em trình bày ý kiến của mình về vấn đề bất bình đẳng giới trong cuộc sống hàng ngày.

Các học sinh cũng đã chia sẻ suy nghĩ về giới, bạo lực học đường và cách giải quyết khi gặp tình huống bạo lực giới. Em Nguyễn Chí Dũng, học sinh lớp 11A7 cho rằng, trong trường học vẫn còn hiện tượng kỳ thị những bạn thuộc giới tính thứ ba. Theo Dũng, cách giải quyết khi gặp phải tình huống này là báo cáo với thầy cô để được hỗ trợ.

Các em HS làm việc nhóm thể hiện kiến thức về định kiến giới trong cuộc sống.
Các em HS làm việc nhóm thể hiện kiến thức về định kiến giới trong cuộc sống.

“Nhóm em đưa ra tình huống nam giới có thể bị đối xử bất bình đẳng giới, như áp lực gia đình, công việc, bị phân biệt vùng miền và thậm chí bị xâm hại. Em thấy cách làm việc nhóm và thảo luận giúp tụi em hiểu kỹ hơn kiến thức mà báo cáo viên truyền đạt”, Nguyễn Thị Thủy Tiên, HS lớp 10A6 nói.

Cần thêm những lớp truyền thông về giới

Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Quang Khải, nhà trường luôn cố gắng lồng ghép các chương trình giáo dục về giới, giới tính và phòng chống bạo lực học đường vào các tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và ngoại khóa. Ông Đức đánh giá cao chương trình tập huấn này vì tính thực tiễn và dễ hiểu, đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác với các đơn vị để tổ chức thêm nhiều buổi truyền thông hữu ích cho học sinh.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm CTXH&BTTE tỉnh tổ chức 20-22 lớp truyền thông về bình đẳng giới, thu hút từ 2.000-2.200 người tham gia, bao gồm học sinh THCS, THPT và người dân trong cộng đồng. Từ nay đến ngày 16/10, Trung tâm tiếp tục tổ chức các lớp truyền thông cho học sinh tại 7 trường THPT thuộc các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Châu Đức.

Trung tâm CTXH&BTTE tỉnh cho biết, việc tổ chức truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực giới cho học sinh THCS và THPT là một hoạt động thường niên theo sự chỉ đạo của Sở LĐTB&XH. Mục tiêu là trang bị kiến thức cho các em, giúp các em hình thành nhận thức về bình đẳng giới trước khi bước vào môi trường học tập và làm việc mới.

Ông Trần Sạn, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH&BTTE tỉnh nhận xét: "Các báo cáo viên không chỉ trình bày lý thuyết mà còn đưa ra những tình huống thực tế cụ thể, giúp học sinh dễ hình dung và nắm bắt vấn đề. Qua các lớp truyền thông này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần ngăn chặn và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới".

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.