Nỗi lòng bánh đúc

Thứ Sáu, 11/10/2024, 16:19 [GMT+7]
In bài này
.

“Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Quan niệm xưa ấy vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, tạo nên rào cản giữa mẹ kế và con chồng. Vì vậy, các bà mẹ kế cần trang bị cho mình tâm lý, sự kiên nhẫn, thời gian và nhiều yếu tố khác để có thể biến đứa con chồng vốn đầy khoảng cách thành đứa con thật sự của mình.

Tình mẫu tử chính là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trên đời, ngay cả giữa người mẹ kế con chồng.
Tình mẫu tử chính là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trên đời, ngay cả giữa người mẹ kế con chồng.

Nỗi khổ làm mẹ kế

Không giống như hình ảnh dì ghẻ trong câu chuyện Tấm Cám, những người phụ nữ yêu người đàn ông từng một lần đổ vỡ thường cố gắng chung sống hòa bình với con chồng, với niềm tin rằng “yêu thương trẻ sẽ được trẻ yêu thương lại”. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn thành công trong chuyện này.

Ngay trong đêm tân hôn, chị Hà (TP.Bà Rịa) đã không vui khi con gái riêng 11 tuổi của chồng nằng nặc đòi nằm chung với ba. Khi chị Hà ngỏ ý muốn bé về phòng riêng ngủ, anh Quang, chồng chị, lại tỏ vẻ bực bội, cho rằng việc để bé ngủ chung cũng là cách để mẹ kế và con chồng gần gũi nhau hơn.

Không dừng lại ở đó, hàng loạt xích mích nhỏ lớn sau này cứ thế nảy sinh, với trung tâm của mọi rắc rối chính là con gái cưng của anh Quang. Cô bé ít khi ra khỏi phòng, chỉ khi ba về mới ra trò chuyện nhỏ to, khiến chị Hà cảm thấy khó chịu. Nhiều lần không hiểu con nói gì với ba mà chồng chị quay ra tra hỏi chị những chuyện vặt vãnh trong nhà. Thấy ba và dì xích mích, cô bé càng nhìn chị Hà bằng ánh mắt khó chịu hơn. Thậm chí, bé còn gọi điện mách mẹ ruột và bà ngoại rằng: "Cô Hà ghét con lắm", khiến bà ngoại đòi đón bé về. Anh Quang nghe vậy lại bực bội và trút giận lên vợ.

Tương tự, chị Thu (TP.Vũng Tàu) cũng đành bất lực trước sự khó bảo của con trai riêng 8 tuổi của chồng, dù chị luôn yêu quý và chăm sóc bé như con đẻ. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi chị sinh con chung và không có thời gian đưa con riêng của chồng đi chơi nhiều như trước, khiến bé nghĩ rằng chị không còn quan tâm đến mình. Mẹ chồng chị còn bóng gió: “Khi nào bánh đúc có xương, thì đời dì ghẻ mới thương con chồng”. Chị Thu thực sự mệt mỏi khi hàng ngày phải đối mặt với mẹ chồng và mối quan hệ phức tạp “con anh, con tôi, con chúng ta”.

“Chinh phục” con chồng bằng tình yêu

Làm mẹ đã khó, làm mẹ kế càng khó hơn. Khi quyết định kết hôn với một người đàn ông có con riêng, bạn sẽ phải đối mặt với rào cản giữa mẹ kế và con chồng. Theo các chuyên gia tâm lý, đối với những cô gái trẻ lần đầu lấy chồng và kiêm luôn vai trò mẹ kế, gia đình sẽ xuất hiện mối quan hệ tam giác: vợ - chồng, vợ - con riêng của chồng, và chồng - con ruột. Để trở thành một người mẹ kế dễ thương, chị em cần khéo léo trong việc điều chỉnh cả ba mối quan hệ này.

Quan trọng nhất là mối quan hệ giữa người vợ trẻ và con chồng. Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với người đàn ông đã có con riêng, bạn cần chuẩn bị tâm lý, một trái tim người mẹ thật sự và nhiều thứ khác để xóa bỏ rào cản ấy.

Nếu đứa trẻ còn nhỏ, bé chưa có định kiến hay lo lắng, nên việc chấp nhận mẹ kế sẽ dễ dàng hơn nếu bạn dành cho bé tình yêu thương chân thành. Với những đứa trẻ lớn hơn, chúng khó chấp nhận sự có mặt của người phụ nữ lạ trong nhà. Do đó, bạn cần tạo mọi điều kiện để cha con họ gần gũi, chăm sóc nhau, giúp bé bớt thành kiến và cảm thấy không bị “mất cha”.

Ngoài việc xây dựng mối quan hệ với con riêng của chồng, bạn cũng cần chú trọng mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Hãy cẩn trọng trong lời nói và cách cư xử để trẻ không nghĩ rằng cha của mình đang bị bắt nạt hay yêu thương mẹ kế hơn.

NGUYÊN THẢO

;
.