Chiều 11/10, các ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội; Bác sĩ Dương Tấn Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Phú Mỹ chủ trì hội nghị. |
2 dự luật quan trọng
Đại tá Nguyễn Tâm Hùng cho biết, Dự án Luật Nhà giáo được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, gồm 9 chương, 71 điều, cụ thể hóa 5 chính sách gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Còn Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, gồm 9 chương, 130 điều. So với Luật Việc làm năm 2013 tăng 2 chương và 68 điều. Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, chính sách việc làm tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của nhà giáo
Góp ý về chế độ nghỉ hưu của nhà giáo quy định lại Khoản 1, Điều 48, Chương V, Dự thảo Luật Nhà giáo, cử tri Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho hay, nghề giáo có đặc điểm nghề nghiệp riêng, nhất là trong bối cảnh đòi hỏi sự cập nhật công nghệ liên tục. Theo cô Dương, nên giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên nữ xuống còn 55 tuổi. Đồng thời khuyến khích những nhà giáo có mong muốn và đủ điều kiện về sức khỏe, năng lực cống hiến tới 60 tuổi.
Cử tri Đỗ Thị Thúy Dương cho rằng việc miễn học phí cho con giáo viên là không cần thiết và sẽ gây bất bình đẳng xã hội. |
Bên cạnh đó, cử tri Thúy Dương cũng cho rằng nguyên tắc bổ nhiệm điều động nhà giáo (quy định tại điều 32, mục 3, chương IV của Dự luật) còn quá lý tính và chưa sát thực tiễn. “Nên bổ sung nguyên tắc: Điều động cần phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nguyện vọng của giáo viên. Nếu không sẽ ảnh hưởng tâm lý giáo viên, chất lượng công việc và không đạt hiệu quả điều động”, cô Dương nói.
Về nội dung miễn học phí cho con của nhà giáo được đưa ra trong Dự thảo Luật, cử tri Thúy Dương bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, điều này là không cần thiết và sẽ gây bất bình đẳng xã hội. Nên thay bằng các chế độ ưu tiên đặc biệt về tuyển dụng và ưu tiên học bổng với con nhà giáo theo nghề sư phạm đủ điều kiện.
Đồng quan điểm với cử tri Thúy Dương, cử tri Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.Vũng Tàu) cho rằng chính sách này chỉ nên áp dụng đối với nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn hoặc là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Cử tri Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại hội nghị. |
Cử tri Nguyễn Việt Hùng, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, Khoản 4, Điều 4 dự luật Nhà giáo quy định: Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo đối với các cấp học, trình độ đào tạo và phương thức giáo dục có quy định cụ thể các nhóm gồm: giáo viên mầm non; giáo viên phổ thông; giáo viên giáo dục thường xuyên; giáo viên giáo dục nghề nghiệp; giảng viên giáo dục nghề nghiệp; giảng viên đại học. Tuy nhiên, không có nhóm nào đề cập đến giảng viên Cao đẳng Sư phạm. Trong khi đó tại Điều 15 lại quy định chức danh nhà giáo bao gồm: Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông, giáo viên dự bị đại học, giáo viên giáo dục thường xuyên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp, giảng viên cao đẳng sư phạm, giảng viên giáo dục nghề nghiệp, giảng viên đại học. Cử tri Việt Hùng đề nghị nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cho thống nhất những nội dung này.
Cử tri Nguyễn Đình Quốc Hùng, Trường TH Trần Phú (huyện Châu Đức) cho biết, theo Dự Luật Nhà giáo, nhà giáo “được hoạt động giảng dạy, giáo dục và đánh giá người học đúng và phù hợp với chuyên môn đào tạo; được đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của người học; được tham gia nhận xét, khen thưởng, xử lý kỷ luật người học theo quy định”. Tuy nhiên, theo cử tri Quốc Hùng, nên bỏ nội dung xử lý kỷ luật người học vì cá nhân nhà giáo không có quyền này, mà Hội đồng kỷ luật nhà trường mới có thẩm quyền.
Cũng theo Dự luật, trường hợp trước khi tuyển dụng đã có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng; trường hợp tuyển dụng đặc cách thì được xem xét miễn, giảm thời gian tập sự. Cử tri đề nghị quy định rõ thời gian trực tiếp giảng dạy tương ứng với thời gian miễn giảm tập sự. Ngoài ra, Dự luật cần bổ sung quy định về chế độ cho giáo viên nữ nếu thời gian nghỉ hộ sản trùng với thời gian nghỉ hè.
Đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn
Góp ý về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Cử tri Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch CĐCS Công Ty TNHH Dong In Entech VN cho biết, theo dự thảo, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Cử tri đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định này vì như vậy quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, không mang tính khuyến khích người lao động duy trì việc tham gia BHTN cũng như tìm kiếm việc làm mới.
Phát biểu tại hội nghị, cử tri Đào Tuấn Anh, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa phân tích, so với Luật Việc làm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung thêm đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp. Tuy nhiên dự thảo luật chưa quy định đối tượng “Người lao động là người có công với cách mạng và thân nhân người có công cách mạng” được vay vốn. Cử tri Tuấn Anh đề xuất bổ sung thêm đối tượng trên để động viên tinh thần người có công với cách mạng và thân nhân người có công cách mạng.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI