Nâng bước học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đến trường

Thứ Ba, 01/10/2024, 17:44 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho học sinh, sinh viên (HS, SV) dân tộc thiểu số. Những chính sách này không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội, mà còn lan tỏa tinh thần nhân văn sâu sắc, giúp các em có thêm động lực và niềm tin để vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh trong một giờ học.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh trong một giờ học.

Tạo điều kiện tốt nhất cho HS-SV dân tộc thiểu số

Từ năm học lớp 10, Lương Vĩnh Toàn (HS người dân tộc Hoa ở TX.Phú Mỹ, hiện là học sinh lớp 12A2), chuyển đến học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh tại xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức. Nhờ vào chính sách hỗ trợ đặc biệt cho HS dân tộc thiểu số, Toàn được nhà trường cấp sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập, đồng phục và hỗ trợ chi phí ăn uống, học bổng.

Toàn chia sẻ: “Chính sách ưu đãi cho HS dân tộc thiểu số giúp gia đình em không còn phải lo chi phí học tập”. Chính những chính sách này đã tạo động lực giúp Toàn đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập như: Giải Nhất Olympic Tiếng Anh do Tỉnh Đoàn tổ chức, giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật tỉnh và nhiều giải thưởng khác.

Ngoài học tập, Toàn còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể và xã hội, từng giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi hùng biện và tuyên truyền của Huyện Đoàn Châu Đức. Trong mùa hè năm 2023 và 2024, Toàn tham gia tích cực các chiến dịch tình nguyện của Huyện Đoàn và Tỉnh Đoàn.

Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng ưu tiên phát triển giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài các chính sách miễn giảm học phí chung, HS dân tộc thiểu số còn được hưởng những chính sách đặc thù như cấp miễn phí vở, sách giáo khoa cho tất cả HS các cấp học.

Đối với SV dân tộc thiểu số, tỉnh có chính sách hỗ trợ chi phí học tập và cả trợ cấp tiền Tết, giúp các em có điều kiện tốt hơn để tập trung vào việc học. Những chính sách này đã tạo ra sự khác biệt lớn, giúp HS, SV dân tộc thiểu số không chỉ hoàn thành chương trình học, mà còn phát triển bản thân để góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Để nâng cao chất lượng giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trường PTDTNT tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho HS học tập và sinh hoạt. Hiện tại, trường có 14 lớp với 370 HS từ 13 dân tộc khác nhau, như Châu Ro, Tày, Nùng, Hoa, Khmer… theo học.

Ngoài những hỗ trợ về mặt vật chất, tỉnh còn chú trọng đến việc phát triển toàn diện cho HS, đảm bảo các em có thể vững bước trên con đường học vấn và biến những ước mơ của mình thành hiện thực.

Nhờ sự chăm lo tận tình từ tỉnh, tỷ lệ HS dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT đạt 96,72%, và tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đi học mẫu giáo và tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%.

Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã bố trí hơn 26.969 tỷ đồng để hỗ trợ HS, SV. Từ nguồn kinh phí này, hơn 37 ngàn lượt HS dân tộc thiểu số đã được cấp sách giáo khoa và vở với tổng số tiền hơn 19.222 tỷ đồng, cùng hỗ trợ chi phí học tập cho 1.388 lượt SV dân tộc thiểu số với hơn 7.746 tỷ đồng.

Những năm trên ghế nhà trường, Lương Thị Yến Thanh (dân tộc Hoa, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) được Nhà nước “tiếp sức” rất nhiều để thuận lợi học tập. Đó là hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập, học bổng, trợ cấp tiền Tết... Nhờ sự “tiếp sức” này mà Thanh vươn lên trong học tập. Năm 2023, Thanh tốt nghiệp ĐH Tài chính - Marketing (TP.Hồ Chí Minh) và hiện có công việc ổn định tại một công ty ở TX.Phú Mỹ.

Sự nỗ lực của tỉnh trong việc tạo điều kiện học tập cho HS, SV dân tộc thiểu số không chỉ giúp các em có được nền tảng giáo dục tốt, mà còn là bước đệm vững chắc để các em tiến xa hơn trong tương lai.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.