Làm gì khi trẻ chậm nói?

Thứ Sáu, 25/10/2024, 15:19 [GMT+7]
In bài này
.

Chậm nói là hiện tượng trẻ em lâu biết nói, ngay cả những từ đơn giản như ba, má hoặc mẹ. Nó liên quan đến nhiều vấn đề như tâm thần, một số bệnh lý ở não bộ, tai mũi họng, lưỡi…

Cha mẹ có thể mua bộ chữ, bộ số rồi dạy trẻ cách nhận biết và phát âm từng con số,  từng chữ cái cho đến khi trẻ thuần thục.
Cha mẹ có thể mua bộ chữ, bộ số rồi dạy trẻ cách nhận biết và phát âm từng con số, từng chữ cái cho đến khi trẻ thuần thục.

Dấu hiệu trẻ chậm nói

Bình thường khoảng 9 tháng tuổi, trẻ bắt đầu phát âm với những ngữ điệu khác nhau để gọi “á-má” hoặc “ẹ-mẹ, “a-ba hoặc “ố-bố”, có hoặc không kèm theo điệu bộ như giơ tay, lẫy người, nhưng ở trẻ chậm nói, trẻ chỉ kêu a, á, tay và thân thể hầu như không chuyển động. Bên cạnh đó, trẻ cũng không đáp ứng với tiếng nói chuyện của người trong nhà, tiếng tivi hoặc tiếng xê dịch đồ đạc.

Từ 12-15 tháng tuổi: Bình thường trẻ ở độ tuổi này có thể nói được những từ đơn giản như đi, có, không, bánh, nước… Ngoài ra, trẻ cũng có thể bắt chước những câu ngắn thường nghe thấy hàng ngày như “chào ba, chào má” nhưng với trẻ chậm nói, trẻ không phát âm được những từ có phụ âm đ, p, n, t, r… Phần lớn các câu nói của trẻ chỉ là những chuỗi a, á để biểu lộ sự muốn hay không muốn.

Từ 18 tháng đến 2 tuổi: Trẻ có thể nói được 20 từ đến 50 từ và biết ghép 2 từ với nhau để tạo thành câu đơn giản, thí dụ như “mẹ ơi”, “uống nước”, “không ăn”. Ngoài ra nếu hỏi trẻ mắt, mũi, chân tay ở đâu, trẻ sẽ hiểu và chỉ đúng.

Với trẻ chậm nói, trẻ chỉ có thế nói được khoảng 10 từ, không hiểu các mệnh lệnh đơn giản như “đứng lên, ngồi xuống”, rất khó khăn để đáp lại bằng lời nói khi được hỏi, chẳng hạn như khi đưa trẻ một miếng bánh và hỏi “con ăn không?”. Bên cạnh đó, trẻ cũng không chỉ được vào một số bộ phận trên người và gọi đúng tên của nó.

Từ 2-3 tuổi: Do đã tích luỹ được một số từ vựng, trẻ có thể kết hợp với nhau để tạo thành câu. Khi lên 3 tuổi, trẻ có thể hiểu được những mệnh lệnh như “không được lấy”, “để lên bàn”, “đừng lại gần chỗ đó”… Ngoài ra, trẻ còn có thể trả lời đúng tên mình, phân biệt được một số màu sắc, kích thước lớn nhỏ nhưng với trẻ chậm nói, trẻ không thể ghép các từ thành câu ngắn, nếu có nói thì nói không rõ ràng, thường xuyên nói lắp bắp, không tự nghĩ ra câu nói mà nhại lại lời người khác, nếu đi nhà trẻ thì không thích chơi chung với các bạn, có biểu hiện rối loạn hành vi như la hét, cào cấu, khóc lóc vì không thể hiện được điều mình muốn nói.

Nguyên nhân và cách chữa trị

Trẻ mắc chứng tự kỷ, bị nhiễm trùng tai mãn tính dẫn đến sức nghe giảm, bị xuất huyết não hoặc di chứng của viêm màng não, bị dị tật dính dây thắng lưỡi, bị viêm dây thanh âm hoặc dây thanh âm phát triển bất thường, bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch, suy dinh dưỡng ngay khi còn ở giai đoạn bào thai, trẻ sinh non, thiếu tháng, sự phối hợp không đồng nhất giữa não bộ và tai, miệng, lưỡi, họng…

Vì thế, khi trẻ từ 1 tuổi trở lên mà không nói được những từ đơn giản như ba, má, bố mẹ, ông bà, con gà, con chó…, thì cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám nhằm xác định nguyên nhân gây ra chứng chậm nói ở trẻ. Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ cho biết về tình trạng bệnh lý và cách điều trị.

Nếu trẻ chỉ bị chậm nói đơn thuần và không mắc phải một tật bệnh gì, các bậc cha mẹ có thể tự dạy cho con bằng 3 cách sau:

- Dành nhiều thời gian nói chuyện với trẻ, bắt đầu bằng những câu đơn giản tùy theo từng độ tuổi. Ví dụ như trẻ từ 1 tuổi trở lên, dạy trẻ biết phân biệt ba (bố), má (mẹ), đi, chạy, ăn, uống…, sau đó tiếp tục với những từ ghép như đứng lên, ngồi xuống, giơ tay, giơ chân… Ngoài ra có thể mua bộ chữ, bộ số rồi dạy trẻ cách nhận biết và phát âm từng con số, từng chữ cái cho đến khi trẻ thuần thục.

- Trẻ từ 2 tuổi trở lên: Cho trẻ xem những cuốn sách có hình vẽ con người, động vật, đồ vật, màu sắc. Dạy cho trẻ biết phân biệt và gọi đúng tên từng thứ.

- Trẻ từ 3 tuổi trở lên: Cho trẻ xem những công việc hàng ngày rồi giải thích để trẻ hiểu đó là những việc gì, ví dụ như nấu cơm, rửa chén, giặt quần áo, quét nhà… Cứ mỗi việc, dạy cho trẻ cách đọc tên của việc đó. Cha mẹ dạy cho trẻ cách ghép từ, bắt đầu bằng có hoặc không, chẳng hạn như khi cho trẻ một miếng bánh mà trẻ chỉ nói “không” thì dạy trẻ cách nói “con không ăn”.

Tóm lại, dạy trẻ chậm nói để trẻ trở thành trẻ bình thường là một quá trình lâu dài, đói hỏi sự kiên nhẫn và óc sáng tạo bởi lẽ sự phát triển và định hình ngôn ngử mỗi trẻ mổi khác nhau. Cha mẹ không nên cáu gắt, giận dữ nếu nói hoài mà trẻ vẫn không hiểu bởi lẽ sự cáu gắt, giận dữ sẽ khiến trẻ sợ hãi, lâu dài dẫn đến khủng hoảng tâm lý, chứng chậm nói sẽ ngày càng nặng nề thêm…

BSCKI LÊ DUY

;
.