Từ phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Anh Trần Tài kiểm tra phôi cấy Đông trùng hạ thảo. |
Những dự án hiệu quả
Huy Sa kê là tên nhiều người gọi Phạm Đông Huy (TP.Vũng Tàu), bởi sản phẩm khởi nghiệp của Huy gắn liền với trái sa kê. Anh Huy đã dành nhiều tâm huyết vào các sản phẩm từ trái sa kê, như phở sa kê, bún sa kê, mỳ sa kê… Dự án “Sa kê toàn cầu - Sa kê Việt” của Huy đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 12.
Phạm Đông Huy, sinh năm 1989 tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, đã nhận thấy sa kê là giống cây hữu ích, nhiều dinh dưỡng, trái ngon, và lá cây có thể làm trà. Khi còn là sinh viên ngành CNTT, để trang trải chi phí học tập, Huy đã nhập sa kê cho các nhà hàng, quán ăn và hướng dẫn cách chế biến, được nhiều người đón nhận. Trong nhiều năm, anh đã hợp tác, xây dựng vùng trồng cây sa kê, tăng thu nhập cho nông dân.
Đầu năm 2020, Huy gom góp vốn liếng, vay mượn, mở nhà xưởng tại Châu Đức. Cơ sở Sake Toàn Cầu của Huy cung cấp bột sa kê, lá sa kê sấy khô, mỳ sa kê, bún sa kê, phở sa kê… cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Công ty của Huy tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.
Huy cho biết, có thời điểm, anh thu nhập gần 200 triệu đồng/tháng từ trái sa kê tươi, nhưng 3 năm nay, anh tập trung xây dựng nhà xưởng, liên kết sản xuất các sản phẩm từ sa kê. “Tôi đã ký được hợp đồng với một đối tác nước ngoài, xuất khẩu mỳ, bún, phở sa kê. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập ổn định và mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động”, anh Huy chia sẻ.
Anh Phạm Đông Huy và sản phẩm phở sa kê chuẩn bị xuất sang thị trường nước ngoài. |
Tại TP.Bà Rịa, dự án khởi nghiệp “Thảo Mộc Hương” của chị Lê Thị Ánh Nga, phường Phước Hiệp, cũng được xem là một trong những ý tưởng khởi nghiệp khá thành công tại địa phương. Chị Nga cho hay, với ý tưởng tận dụng nguồn thảo mộc có sẵn trong tự nhiên để tạo ra sản phẩm nhang sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, năm 2021, chị cùng các cộng sự đã thành lập cơ sở làm nhang sạch mang thương hiệu “Thảo Mộc Hương” tại TT.Long Điền, huyện Long Điền. Sau thời gian khó khăn do vốn hạn hẹp và thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, cơ sở làm nhang của chị đã dần đi vào ổn định.
Sản phẩm nhang “Thảo Mộc Hương” được làm từ 100% thảo mộc. Hiện cơ sở đang sản xuất các loại nhang như nhang trầm, nhang quế, nhang nụ xua ruồi, muỗi, nhang nụ xông xoang, với giá dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, tùy loại. Cơ sở Thảo Mộc Hương còn sản xuất thử nghiệm các loại thảo dược chăm sóc tóc, thuốc trừ sâu sinh học, trà túi lọc, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương.
Trong khi đó, tại Châu Đức, thanh niên 9X Trần Tài cũng được nhiều người biết đến vì khởi nghiệp và thành công với mô hình nấm sinh học tại xã Bàu Chinh. Anh thành lập Công ty TNHH Nấm sinh học Việt Nam -VINABIOMUSH vào năm 2018, với hoạt động: cung cấp giống; tư vấn thiết kế và thi công các mô hình, trang trại nuôi trồng; đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật nuôi trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu.
Bên cạnh đó, công ty còn cung cấp giống, tư vấn thiết kế và thi công các mô hình, trang trại nuôi trồng các loại nấm cho các hộ, cơ sở trong và ngoài tỉnh, mang lại doanh thu từ 200 - 300 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 4 lao động chính thức và 3 lao động thời vụ, với thu nhập khoảng 8,5 triệu đồng/tháng.
Năm 2020, sản phẩm trà túi lọc Đông trùng hạ thảo và Đông trùng hạ thảo sấy khô của anh đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao tiêu biểu của tỉnh. Năm 2024, anh Tài đang tiếp tục đăng ký sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh cho 2 sản phẩm mới là sữa chua Đông trùng hạ thảo và nước uống Đông trùng hạ thảo.
Ngoài các mô hình kể trên từ phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã góp phần khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự phát triển của tỉnh như: Trồng nấm trong nhà kính (anh Trần Hài Hòa, xã Bình Trung, huyện Châu Đức), sản xuất trà từ trái lê - ki - ma (anh Nguyễn Hữu Hiếu, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ)…
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp
Anh Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, cho biết: “Vài năm trở lại đây, nhiều bạn trẻ đã quyết định bỏ phố về quê để khởi nghiệp, phát triển kinh tế và thành công trên chính quê hương mình.”
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp là một trong những hoạt động được các cấp Đoàn, hội quan tâm thực hiện, qua đó đã có sức lan tỏa sâu rộng trong ĐVTN. Năm 2024, Hội LHTN tỉnh phối hợp với Thành Đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP.Cần Thơ tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tham quan một số mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên Cần Thơ; tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp lập nghiệp với hơn 150 thanh niên tham gia gặp gỡ, giao lưu và trao đổi với các nhà quản lý, doanh nhân; tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp thanh niên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” và chương trình “Nhà đầu tư thiên thần” năm 2024.
Với nhiều nội dung hoạt động phong phú, phù hợp, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” phát huy hiệu quả với hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN, đã và đang trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong tỉnh.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH