Giải bài toán về tranh chấp lao động

Thứ Ba, 22/10/2024, 17:48 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều ý kiến tâm huyết đã được đại biểu đề xuất tại buổi tọa đàm “Giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân trên địa bàn tỉnh” do LĐLĐ tỉnh tổ chức vào sáng 22/10.

Lực lượng lao động liên tục phát triển đặt ra nhiều thách thức về quan hệ lao động tại cơ sở.
Lực lượng lao động liên tục phát triển đặt ra nhiều thách thức về quan hệ lao động tại cơ sở.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Những năm qua, lực lượng lao động tại Bà Rịa - Vũng Tàu không ngừng phát triển. Quan hệ lao động cũng theo đó không ngừng chuyển biến đa dạng. Từ năm 2019 - 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra 15 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể với 3.541 lượt công nhân tham gia. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể với 1.150 lượt công nhân tham gia. Hầu hết, các vụ tranh chấp lao động và ngừng việc xảy ra tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 87,5%. 

Đơn cử như vụ ngừng việc tại Công ty TNHH Suh Lim Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc đóng tại xã Nghĩa Thành, KCN Sonadezi, huyện Châu Đức) chuyên sản xuất ba lô túi xách diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 27 - 29/8/2024) với hơn 300 NLĐ tham gia ngừng việc với lý do NLĐ đã có ý kiến yêu cầu Ban Giám đốc tăng lương và các chế độ khác. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty không đồng ý. Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, cơ quan chức năng đã trực tiếp đến Công ty gặp gỡ và  làm việc với đại diện Công ty TNHH Suh Lim Vina về những nội dung kiến nghị của NLĐ. Đến ngày 29/8 cơ bản NLĐ trở lại làm việc bình thường. 

Theo ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh), nguyên nhân các vụ tranh chấp chủ yếu liên quan quan đến quyền của NLĐ. Như DN chậm hoặc nợ không chi trả tiền lương, tiền thưởng; DN không thực hiện không đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ, không trao đổi với công đoàn và NLĐ khi điều chỉnh định mức và đơn giá sản phẩm, thời gian tăng ca và các vấn đề khác liên quan đến lợi ích của NLĐ; DN không công khai và không trả tiền thưởng Tết, môi trường làm việc, bữa ăn ca chưa bảo đảm chất lượng…

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Châu Trinh, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng hoạt động của DN vẫn gặp nhiều khó khăn, xu hướng thu hẹp quy mô sản xuất, lực lượng lao động liên tục biến động… tạo nhiều áp lực và ảnh hưởng đến quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh. Vì thế, thời gian tới, việc ổn định quan hệ lao động, hạn chế phát sinh tranh chấp lao động, nhất là tranh chấp lao động tập thể để tập trung mọi nguồn lực cho sự phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế địa phương đang là yêu cầu cấp thiết đối với các cấp, các ngành và đời sống NLĐ.

Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Các KCN tỉnh Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: Công tác phối hợp giữa Công đoàn các KCN, Ban quản lý các KCN và chính quyền địa phương vô cùng quan trọng trong việc giải quyết và hạn chế tranh chấp lao động tập thể. Do đó, cần xây dựng quy chế phối hợp chi tiết giữa Công đoàn các KCN, Ban quản lý các KCN và chính quyền địa phương. Quy chế này cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng bên, cũng như quy trình phối hợp khi xảy ra tranh chấp. Tổ chức các buổi họp định kỳ để cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất biện pháp xử lý tranh chấp. Các buổi họp này cần có sự tham gia đầy đủ của đại diện các bên liên quan. 

LĐLĐ tỉnh hiện đang quản lý 146.150 đoàn viên/154.759 lao động trong 1.626 đơn vị đã có tổ chức công đoàn (chiếm tỷ lệ 94,4%). Trong đó khu vực ngoài nhà nước là 109.437 đoàn viên chiếm tỷ lệ 93%. Để hạn chế tranh chấp có thể xảy ra, ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh, vai trò của các cấp công đoàn cần phải được chú trọng hơn nữa. Đặc biệt là phát huy vai trò của CĐCS. Các cấp công đoàn cần chú trọng công tác nắm thông tin, dự báo tình hình, diễn biến tranh chấp lao động; chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết tranh chấp lao động phát sinh; có biện pháp giải quyết các vấn đề về tiền lương, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật cho NLĐ. 

Là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động, Chủ tịch LĐLĐ TX.Phú Mỹ Phạm Thị Tùng thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện quy chế dân chủ tại địa phương rất cần được quan tâm thực hiện nghiêm túc. Dẫn chứng thực tế, bà Phạm Thị Tùng cho biết, nhiều DN có xây dựng và ban hành quy chế dân chủ theo quy định mới. Tuy nhiên, ít có sự đầu tư, nghiên cứu, nội dung không có thay đổi so với thực tế tại đơn vị mà chủ yếu sao chép. Còn một số DN tổ chức đối thoại định kỳ nhưng hiệu quả chưa cao…

Chủ tịch LĐLĐ TX.Phú Mỹ Phạm Thị Tùng đề xuất cần đưa vào hội nghị NLĐ và đối thoại định kỳ được tổ chức lồng ghép trong hội nghị tổng kết của DN nhằm tránh mất thời gian của DN và đạt chất lượng cao. Xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá, xếp loại quy chế dân chủ theo quy định mới vì luật mới đã ban hành và nghị định đã thay đổi. Tăng cường hòm thư góp ý tại các đơn vị, DN để NLĐ được đóng góp ý kiến.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Lao động - việc làm - tiền lương (Sở LĐTBXH) cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các DN của cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan liên quan để nhanh chóng phát hiện vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, có sự biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với DN thực hiện tốt. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.