Đừng nhất bên trọng, nhất bên khinh

Thứ Sáu, 04/10/2024, 16:58 [GMT+7]
In bài này
.

Việc cân bằng giữa sự chăm sóc, lo lắng cho gia đình bên nội và bên ngoại là một thách thức lớn, đặc biệt trong các gia đình mà người chồng có xu hướng “trọng nội, khinh ngoại” hoặc người vợ “trọng ngoại, khinh nội”. Làm thế nào để đạt được sự cân bằng này?

Báo hiếu, yêu thương, kính trọng tứ thân phụ mẫu là trách nhiệm của cả nam và nữ khi kết hôn.
Báo hiếu, yêu thương, kính trọng tứ thân phụ mẫu là trách nhiệm của cả nam và nữ khi kết hôn.

Sứt mẻ vì “Nhà anh - nhà tôi”

Mối quan hệ giữa con rể và cha mẹ vợ, hoặc con dâu và cha mẹ chồng, tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại phức tạp và nhạy cảm. Nhiều gia đình lâm vào tình trạng bất hòa chỉ vì sự thiếu khéo léo trong cách ứng xử của vợ hoặc chồng giữa hai bên.

Chị Hà Phương (chung cư Bình An, TP. Vũng Tàu) chia sẻ rằng gia đình chị tương đối khá giả, còn chồng chị, anh Văn, quê ở miền Trung nghèo khó và phải gánh nặng cho gia đình. Dù chị không bao giờ khó chịu khi anh chu cấp cho gia đình nội, chị vẫn thấy buồn khi anh luôn lo lắng cho bên nội mà không đoái hoài đến bên ngoại. Chị tâm sự: “Vài lần tôi nhắc khéo, anh lại gắt: Em cứ hình thức hóa, cha mẹ em có thiếu thốn gì đâu. Điều này khiến tôi thật sự buồn.”

Tương tự, anh Minh Hoàng, quê ở Hà Tĩnh, cho biết vợ anh luôn coi thường gia đình chồng. Anh đã phải bán mảnh đất của cha mẹ ở quê để xây nhà ở TP. Vũng Tàu, nhưng vợ anh không hề trân trọng điều đó. Hành động thiếu quan tâm của vợ khiến anh cảm thấy mệt mỏi và dẫn đến quyết định ly hôn.

Để vẹn cả đôi đường

Theo các chuyên gia tâm lý, việc đối xử cân bằng giữa hai bên nội - ngoại chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng cũng không phải quá khó để tạo không khí đầm ấm, yêu thương. Để làm được điều này trước hết phụ thuộc vào chính cách ứng xử, thỏa thuận giữa hai vợ chồng.

Đầu tiên, các cặp đôi nên hiểu rõ rằng thứ cha mẹ hai bên cần không phải là vật chất mà bạn gửi về cho bố mẹ, mà chính là tấm lòng hiếu thảo nhớ đến gia đình. Vì thế, nếu vợ chồng bạn đã có nhà riêng và gần hai bên ông bà nội ngoại, hãy dành thời gian về thăm cả nhà nội lẫn nhà ngoại thường xuyên. Nhưng nếu ở xa, không tiện về, cuối tháng hoặc vài tháng, thậm chí nếu không đủ điều kiện thì có thể vài ba năm một lần cũng nên cố gắng sắp xếp thời gian về thăm nhà và thăm đều cả nhà nội lẫn nhà ngoại.

Với những khoản đối nội- đối ngoại, để không lệch cán cân giữa 2 gia đình thì phải dựa trên nguyên tắc “vợ chồng đồng thuận”. Nghĩa là cả hai cần có sự bàn bạc, thống nhất trong việc ứng xử, chi tiêu cho gia đình đôi bên. Chẳng hạn như những dịp lễ, Tết, sinh nhật... quà cáp dành cho nội - ngoại đều như nhau. Những chuyện lớn khác, như sửa nhà cửa cha mẹ, cưới hỏi của anh em trong nhà... tùy vào khả năng tài chính của vợ chồng để có ứng xử cho phù hợp.

Ngoài ra, để có được cảm tình của cả nội lẫn ngoại, các cặp đôi cần lưu tâm đến cả những người anh em họ hàng trong nhà. Hãy đối tốt, quan tâm và chia sẻ khó khăn với nhau, cho dù là anh chị em bên ngoại hay bên nội. Bởi chính họ sẽ là những người hỗ trợ nhiệt tình nhất khi bạn gặp khó khăn.

Xét cho cùng, dù là gia đình nhỏ hay gia đình lớn, yếu tố tiên quyết để yên ấm, hòa thuận đều xuất phát từ sự quan tâm, yêu thương, sẻ chia. Coi gia đình nhà vợ, nhà chồng như chính máu mủ ruột thịt của mình cũng là cách để chúng ta dạy dỗ, làm gương cho chính con cái mình. Từ đó, những hạt mầm yêu thương sẽ ngày càng lan tỏa.

THẢO NGUYÊN

;
.