Độc tố trong cá nóc mạnh cỡ nào?

Thứ Tư, 30/10/2024, 17:53 [GMT+7]
In bài này
.

Dù đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo về độc tố nguy hiểm trong cá nóc, người dân vẫn chủ quan sử dụng, dẫn đến nhiều trường hợp ngộ độc nặng, thậm chí tử vong.

Độc tố có trong cá nóc chưa có thuốc đặc trị. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là không ăn cá nóc.
Độc tố có trong cá nóc chưa có thuốc đặc trị. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là không ăn cá nóc.

Tử vong do ăn cá nóc

Cách đây hơn 10 ngày, bà P.T.Q., (61 tuổi, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) ăn cá nóc, vài phút sau, bà mệt mỏi, nôn ói và bất tỉnh. Người nhà đưa vào TTYT huyện Xuyên Mộc, bà Q. đã trong tình trạng nặng, ngưng hô hấp tuần hoàn, da tím tái, niêm mạc nhợt, tay chân lạnh, đồng tử dãn và mất hết các phản xạ. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu tích cực nên đo được huyết áp trở lại, nhịp tim nhanh, bắt được mạch. Nhưng tình trạng người bệnh vẫn nguy kịch, nên TTYT huyện Xuyên Mộc chuyển bà Q. lên Bệnh viện Bà Rịa. Tại đây, người bệnh ngưng tim 3 lần và được y, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa hồi sức thành công. Tuy nhiên, sức khỏe của bệnh nhân ngày càng xấu, dẫn tới hôn mê sâu. Bệnh viện Bà Rịa chuyển bà Q. lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) tiếp tục chữa trị, nhưng người bệnh không qua khỏi.

Việc ăn cá nóc gây ngộ độc, thậm chỉ tử vong như trường hợp vừa nêu không còn là chuyện xa lạ. Điều đáng lo ngại, cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo, nhưng người dân còn chủ quan, sử dụng cá nóc làm thức ăn. Do vậy, một số địa phương trên cả nước từng ghi nhận nhiều vụ ngộ độc nặng liên quan đến cá nóc.

Đơn cử, hồi tháng 6/2024, ông N.V.S., (54 tuổi, ở thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, Bình Định) đã tử vong sau 2 tiếng ăn cá nóc. Người đàn ông này từng nhiều lần ăn cá nóc, thậm chí ăn cả ruột, trứng cá nhưng đều không sao. Vì thế, khi thấy một gia đình trong xóm làm thịt cá nóc nên ông xin về nấu ăn. Sau khi ăn, ông S. bị ngã, sùi bọt mép, dù được người nhà đưa vào viện nhưng không cứu sống được ông.

Hay như, giữa tháng 9/2024, vợ chồng ông N.G.H. (65 tuổi) và vợ L.T.K.H (58 tuổi), trú ở phường Phổ Thạnh, TX. Đức Phổ, tỉnh Quãng Ngãi cũng bị ngộ độc do ăn cá nóc. Cả hai người đều xuất hiện các triệu chứng choáng, tê đầu lưỡi, tê toàn thân. Ông H. còn rơi vào tình trạng ngừng hô hấp tuần hoàn, hôn mê sâu, ngừng thở. May mắn, hai vợ chồng ông H được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu kịp thời nên thoát chết.

Cá nóc có độc tố nguy hiểm

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, biển Việt Nam có khoảng 67 loài cá nóc, phân bổ dọc bờ biển từ Bắc vào Nam. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô, đôi khi có cả ở cửa sông, nước lợ. Ở nước ta, cá nóc có thể xuất hiện gần như quanh năm, nhiều nhất từ tháng 5-6 và tháng 9-10. Cá nóc có thân ngắn từ 4-20cm, thường có nhiều màu sắc khác nhau, da cứng cáp, vảy ngắn. Đầu cá to, mắt lồi, không có vảy lưng và bụng, nhưng lởm chởm đầy gai, bụng cá thường to tự phình lên, nằm ngửa tự trôi theo dòng nước.

Sau khi ăn cá nóc có độc tố Tetrodotoxin sẽ xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng, môi, lưỡi tê, khó chịu. Sau đó, mệt mỏi, choáng váng, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, đau bụng, buồn nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co… Trường hợp nặng liệt toàn thân, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong.

Bác sĩ Huỳnh Thanh An, Phó Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, trong cá nóc có độc tố Tetrodotoxin rất nguy hiểm, tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, buồng trứng, túi tinh, mắt, mang, da, máu. Độc tố này không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên khi đánh bắt, chế biến, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây ngộ độc khi sử dụng. Độc tố Tetrodotoxin gây độc cho hệ thần kinh và cơ, gây liệt cơ, đặc biệt là gây suy hô hấp, khiến người bệnh tử vong nhanh.

Độc tố này không bị phân hủy hoàn toàn khi nấu, sấy hay phơi khô. Khi đun sôi ở nhiệt độ 100°C trong 6 giờ độc tố Tetrodotoxin mới giảm 50%, chỉ mất đi khi đun sôi ở 200°C trong 10 phút. Vì vậy, khi chế biến và nấu ăn ở nhiệt độ bình thường, độc tố vẫn còn tồn tại nên gây ngộ độc cho người dùng. “Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa ngộ độc cá nóc là không ăn cá nóc. Khi ăn phải cá nghi cá nóc, với dấu hiệu tê môi, tê bàn tay, phải đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời”, bác sĩ Huỳnh Thanh An khuyến cáo.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
Bể cá mini 40cm Bể cá mini
.