Nhờ được hưởng lợi từ mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo đủ điều kiện thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống" của UBMTTQ Việt Nam, những hộ nghèo ở huyện Xuyên Mộc đã có động lực, vươn lên thoát nghèo bằng sự hay lam, hay làm.
Nhờ được hỗ trợ máy may, bà Đỗ Thị Thúy Linh có thu nhập ổn định. |
Đa dạng sinh kế
Bà Đỗ Thị Thúy Linh, xã Hòa Hưng năm nay 43 tuổi, nhưng có diện mạo như ngoài 50, do nhiều năm mắc bệnh tim, suy thận. Chồng bà sức khỏe yếu, nhưng là trụ cột chính lo toan cho gia đình. Thu nhập bấp bênh, cuộc sống càng vất vả khi hàng tháng bà Linh phải tái khám, lấy thuốc trên TP.Hồ Chí Minh, đồng thời chăm lo con nhỏ đang học lớp 6. Vốn khéo tay, lại tỉ mỉ, bà Linh được người thân chỉ cho may đồ gia công, nhưng lại không đủ tiền mua máy may. Một thời gian, bà phải mượn máy may của người nhà, tranh thủ may vào buổi tối để có “đồng ra đồng vô”. Sau khi khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của bà Linh, UBMTTQ Việt Nam huyện Xuyên Mộc đã tặng bà chiếc máy may (trị giá 10 triệu đồng) vào tháng 8/2024. Khỏi nói bà Linh mừng thế nào. “Tôi không còn phải nhờ máy may, làm việc ban đêm nữa. Công việc trôi chảy hơn, thu nhập từ công việc may vá mang lại cho tôi khoảng 5 triệu đồng/tháng. Cảm ơn địa phương đã hỗ trợ”, bà Linh nói cảm động.
Cũng tại xã Hòa Hưng, bà Trần Thị Thanh Tuyền được hỗ trợ một con bò giống từ năm trước. Sau một năm chăm sóc, con bò trổ mã, mập mạp, chuẩn bị đẻ. Vợ chồng bà Tuyền có 3 người con đang đi học, nhà có ít đất sản xuất, nên hai vợ chồng làm thuê làm mướn những ngày nông nhàn. Biến cố ập đến khi trong vòng 3 năm, cả 2 vợ chồng lần lượt bị tai nạn lao động, nhiều lần phải vào viện. Hoàn cảnh càng thêm khó khăn, nhưng vợ chồng bà vẫn cố gắng, động viên các con không được bỏ học. Tháng 10/2023, MTTQ huyện trao sinh kế 1 con bò giống cho gia đình bà. “Tôi cũng tranh thủ nuôi thêm mấy con gà, vài con dê. Cứ ngơi việc là đi cắt cỏ, thái rau nuôi bò, gà, dê, lấy tiền cho con ăn học. Tôi cảm ơn chính quyền đã giúp vợ chồng tôi có con bò để gầy dựng kinh tế”, bà Tuyền chia sẻ.
Từ năm 2023 đến nay, MTTQ huyện và các xã, thị trấn đã hỗ trợ sinh kế cho 85 hộ khó khăn với tổng trị giá 870 triệu đồng, với các mô hình như hỗ trợ nuôi bò, dê, gà, xe bán bánh mì, máy may, quầy bán vé số, máy bơm nước... |
Cũng siêng năng trồng cỏ, ông Trương Văn Tý, xã Phước Tân từ con bò được hỗ trợ ban đầu (năm 2023), giờ trong chuồng đã có 2 con bò trưởng thành, bò mẹ chuẩn bị tiếp tục sinh sản. Vợ mất sớm, ông Tý làm ngày làm đêm, lo cho người cha bị tai biến nhiều năm nằm một chỗ và 2 con đang đi học. Ông Tý nhẩm tính bán bớt con bò đực, lấy tiền đóng học phí cho con lớn chuẩn bị tốt nghiệp trường ĐH Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh. Sau đó tiếp tục gầy đàn bò, lo cho người con thứ hai học hành, đặng có công việc ổn định. “Chỉ cần các con chịu học, tôi sẽ cố gắng hơn. Giờ có thêm con bò, tôi có vốn liếng rồi”, ông Tý nói.
Khảo sát, kiểm tra kỹ
Theo bà Phạm Thị Chi, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Phước Tân, triển khai mô hình, trên địa bàn xã có 4 hộ được hỗ trợ bò (10 triệu đồng/hộ) và 1 hộ được hỗ trợ gà đẻ trứng (7 triệu đồng/hộ). Các hộ đều được Ban Công tác Mặt trận ấp và MTTQ xã khảo sát kỹ trước khi đề xuất trao sinh kế, sao cho phù hợp với sức khỏe và điều kiện. Bên cạnh đó, Ban Công tác Mặt trận ấp thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra hiệu quả của “cần câu”. Hiện cả 5 hộ đều thoát nghèo, bò phát triển, gà cũng mang lại thu nhập ổn định.
Với những cách làm hiệu quả, sáng tạo, thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam huyện Xuyên Mộc phối hợp cùng các xã, thị trấn triển khai công tác chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp mang lại hiệu quả tốt. Trong đó, mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo đủ điều kiện thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống” được đánh giá cao và có sức lan tỏa rộng.
“Bên cạnh tập trung vào các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, UBMTTQ Việt Nam huyện chỉ đạo MTTQ các xã, thị trấn, rà soát, hướng dẫn, định hướng nhiều hộ dân lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện của mình. Đồng thời tổ chức tổng kết đánh giá các mô hình dự án đã triển khai, rút kinh nghiệm những mặt làm được, chưa được, để đạt hiệu quả cao hơn, góp phần cùng với địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Xuyên Mộc Huỳnh Thị Thanh Hồng cho biết.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH