.

Còi xương ở trẻ em: Làm gì để trẻ không bị tàn tật?

Cập nhật: 16:19, 11/10/2024 (GMT+7)

Còi xương là một bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chính gây bệnh thường do thiếu hụt vitamin D hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D, làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển xương. Trẻ sinh non, sinh đôi hoặc sinh ba cũng có nguy cơ cao bị còi xương do không được cung cấp đủ dưỡng chất từ trong bụng mẹ.

Tắm nắng là biện pháp cần thiết để phòng ngừa còi xương. Ảnh minh họa
Tắm nắng là biện pháp cần thiết để phòng ngừa còi xương. Ảnh minh họa

Nguyên nhân và biểu hiện

Còi xương thường gặp ở trẻ sống tại các khu vực ít ánh nắng, đặc biệt là vùng cao có nhiều sương mù. Thiếu ánh nắng khiến cơ thể trẻ khó tổng hợp đủ vitamin D, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi và photpho - các chất cần thiết cho sự phát triển của xương.

Trẻ em sống ở thành thị cũng có thể bị còi xương nếu thường xuyên ở trong nhà, ít tiếp xúc với ánh nắng hoặc nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh còi xương. Một số trường hợp, mẹ sử dụng các loại thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc kháng virus trong quá trình mang thai cũng có thể tăng nguy cơ bệnh cho trẻ.

Các triệu chứng của trẻ bị còi xương bao gồm thóp trên xương sọ chậm liền, vòng đầu to, có bướu trán, bướu đỉnh, chậm mọc răng và răng mọc không đều. Trẻ có thể bị biến dạng xương chân, cột sống cong bất thường, ngực nhô ra như ngực gà và chậm phát triển vận động. Đặc biệt, xương của trẻ bị còi xương rất dễ gãy và nứt.

Điều trị và cách phòng ngừa

Nếu trẻ có dấu hiệu còi xương, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám. Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang, sinh thiết xương hoặc xét nghiệm máu để đánh giá chỉ số vitamin D, canxi và photpho. Tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ sẽ đề xuất bổ sung các chất còn thiếu cho trẻ.

Với những trường hợp trẻ bị biến dạng chân như vòng kiềng, việc điều trị có thể bao gồm sử dụng bộ nẹp chỉnh hình. Quá trình điều trị đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chế độ ăn uống của trẻ cần cân bằng đủ 4 nhóm chất: chất đạm, tinh bột, chất béo và vitamin khoáng chất, đặc biệt là các vi chất quan trọng trong quá trình hình thành xương như vitamin D, canxi và sắt. Cha mẹ cần đa dạng thực đơn để kích thích vị giác, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

80% vitamin D trong cơ thể trẻ được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời, vì vậy tắm nắng là biện pháp cần thiết để phòng ngừa còi xương. Thời gian tắm nắng lý tưởng là từ 7h đến 8h sáng trong khoảng 15 đến 30 phút mỗi ngày, tùy thuộc vào độ mạnh của nắng. Với trẻ dưới 1 tuổi, nên mặc quần áo mỏng khi tắm nắng, còn trẻ trên 1 tuổi có thể để trần phần ngực, vai và bụng.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cân bằng và chứa nhiều vitamin D, do đó, việc cho trẻ bú mẹ ngay từ khi mới sinh là rất quan trọng. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đa dạng, cung cấp đủ các chất như canxi, photpho từ các thực phẩm giàu dinh dưỡng như cá, trứng, sữa, và rau củ.

Nếu bệnh còi xương được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng của trẻ sẽ cải thiện rõ rệt sau khoảng 1 tháng, các biến dạng xương có thể giảm dần hoặc biến mất hoàn toàn. Điều này giúp trẻ phát triển bình thường và tránh được nguy cơ tàn tật trong tương lai.

Bs PHƯƠNG MAI

 

.
.
.