Cách điều trị mắt lé

Thứ Sáu, 25/10/2024, 15:19 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi có đứa con 3 tuổi, ngay từ khi sinh ra đã bị lé mắt. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách điều trị.

(hanhnguyen@yahoo...)

Trả lời: Lé mắt (hay còn gọi là lác mắt) là tình trạng 2 mắt khi nhìn thì không cùng về một hướng, một mắt nhìn thẳng còn mắt kia nhìn về các hướng khác nhau như nhìn lên, nhìn xuống, nhìn sang bên trái hoặc bên phải, thường xuất hiện ở trẻ em ngay từ khi mới sinh hoặc sau 3 tháng tuổi và kéo dài cho đến suốt đời nếu không chữa trị. Ngoài việc giảm tính thẩm mỹ trên khuôn mặt, lé mắt còn ảnh hưởng đến thị lực, tầm nhìn.

Cha mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra mắt định kỳ hoặc khi có  dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm các bệnh về mắt,  đặc biệt là bệnh lé. (Ảnh minh họa)
Cha mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra mắt định kỳ hoặc khi có dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm các bệnh về mắt, đặc biệt là bệnh lé. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây ra chứng mắt lé: một là do bẩm sinh, hai là do di truyền, nếu trong gia đình có người bị lé thì đứa trẻ sinh ra có khả năng cũng bị lé. Ba là do bị bệnh não úng thủy, là tình trạng tăng dịch bao quanh não và tủy sống gây tổn thương não, dẫn đến các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, lé mắt và bốn là do tổn thương thần kinh sọ não vì nhiễm trùng não, u não, hội chứng Down. Trong trường hợp này, tổn thương thần kinh sọ não thường gặp ở dây thần kinh số III (thần kinh điều khiển vận động nhãn cầu trong mắt), thần kinh số IV (thần kinh ròng rọc), thần kinh số V (thần kinh tam thoa), thần kinh số VI (thần kinh ngoại biên), thần kinh số VIII (thần kinh tiền đình thính giác).

Dựa theo giai đoạn và lứa tuổi, ngành nhãn khoa chia mắt lé làm 2 loại là lé cơ năng, hay còn gọi là lé đồng hành, mắt bị lé luôn di chuyển cùng hướng với mắt lành, xuất hiện phổ biến ở trẻ em. Loại thứ 2 là lé liệt, mắt bị lé di chuyển khác hướng với mắt không lé do cơ vận động nhãn cầu bị liệt, thường gặp ở người lớn.

Vì thế, anh nên đưa cháu đến Bệnh viện Mắt hoặc khoa Mắt của một bệnh viện gần nơi cư trú. Tại đó, để chẩn đoán mắt lé, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp kiểm tra thị lực, xét nghiệm phản xạ giác mạc, kiểm tra võng mạc, phản xạ ánh sáng rồi tùy theo kết quả, phương pháp điều trị có thể là đeo kính nếu con anh có kèm theo cận thị hoặc viễn thị. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể sẽ tiêm thuốc giúp cơ mắt điều chỉnh đúng cách đồng thời hướng dẫn các bài tập về thị giác. Ngoài ra, một số trường hợp phải cần đến phẫu thuật để điều chỉnh các cơ vận nhãn, đưa 2 mắt về thẳng trục, hiệu quả cao nếu thực hiện ngay khi trẻ còn nhỏ.

Phòng ngừa chứng mắt lé: Rất khó để phòng ngừa, nhất là với những trường hợp lé ngay từ khi chào đời còn với trẻ sinh ra bình thường, nên khám mắt định kỳ để phát hiện sớm những bất thường về mắt. Hạn chế để trẻ dưới 1 tuổi tiếp xúc trực tiếp với nguồn ánh sáng mạnh, chói. 

Có giả thuyết cho rằng, nếu trẻ được để nằm nôi và phía trên nôi, cha mẹ treo những vật thể nhiều màu sắc, có sự chuyển động như chong chóng hoặc vòng tròn, xung quanh là những con chim, bướm, màu sắc rực rỡ để trẻ khỏi quấy khóc thì lâu dài, trẻ sẽ bị lé bởi cơ vận nhãn ở một bên mắt sẽ phải hoạt động nhiều hơn so với mắt bên kia khi dõi theo vòng quay. 

Tuy nhiên, giả thuyết trên vẫn chưa được đánh giá nên nếu có treo những đồ chơi chuyển động thì tốt nhất là không để trẻ nhìn lâu trong nhiều tiếng đồng hồ.

Bs TRỊNH THỊ HỒNG DƯƠNG

;
.