Tình trạng “nghiện” điện thoại ở trẻ em đang là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu. Làm thế nào để giúp con rời xa điện thoại mà không cần la mắng hay dùng đến biện pháp mạnh? Hãy thử áp dụng một số bí quyết hiệu quả dưới đây.
Để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển về nhận thức và xã hội của trẻ, người lớn nên hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử ngay từ khi con còn nhỏ. |
Làm gương và nhẹ nhàng với trẻ
Thực tế cho thấy, không chỉ trẻ em mà mọi lứa tuổi đều có thể “nghiện” điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu muốn con loại bỏ thói quen này, ba mẹ phải là người làm gương. Hãy tạm gác điện thoại sang một bên khi về nhà, dành thời gian trò chuyện và chơi cùng con nhiều hơn.
Việc giằng lấy điện thoại từ tay trẻ và la mắng không phải là cách hiệu quả. Trẻ có thể cảm thấy bị ức chế khi bị tước mất thú vui. Hãy thử tiếp cận con một cách nhẹ nhàng hơn, ví dụ như hỏi: “Con đang xem gì mà chăm chú thế?”, hoặc “Bộ phim này hay quá, cho mẹ xem cùng với nhé!”. Sau đó, hãy khéo léo nhắc nhở con đã đến giờ tắm, ăn cơm hay học bài. Cách này giúp trẻ có sự chuẩn bị tâm lý và tránh phản ứng tiêu cực như khóc lóc hay ăn vạ.
Thiết lập giới hạn thời gian sử dụng điện thoại
Một phương pháp hiệu quả là thiết lập giới hạn thời gian cho con sử dụng điện thoại. Ba mẹ có thể thương lượng với con về các quy định như: chỉ được phép sử dụng điện thoại trong 1 giờ mỗi ngày sau khi hoàn thành bài tập, và trong khoảng thời gian bố mẹ có thể theo dõi. Sau khi hết thời gian, ba mẹ cần thu điện thoại.
Thay vì cấm hoàn toàn, hãy giúp con trở thành người dùng điện thoại có trách nhiệm. Rèn luyện cho con thói quen không sử dụng điện thoại trong giờ ăn, giờ học, hoặc trong phòng tối. Đồng thời, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa bổ ích như chơi thể thao, đọc sách, hoặc các hoạt động ngoài trời.
Khích lệ trẻ bằng phần thưởng
Trẻ em luôn thích được khen thưởng. Vì vậy, trong quá trình giúp trẻ “cai nghiện” điện thoại, ba mẹ có thể dùng phần thưởng để khuyến khích con. Tặng con những món quà nhỏ hoặc lời khen khi con chủ động cắt giảm thời gian dùng điện thoại sẽ giúp trẻ có động lực hơn trong việc từ bỏ thói quen không tốt này.
Việc giúp trẻ thoát khỏi “cơn nghiện” điện thoại đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng hành từ phía cha mẹ. Bằng cách làm gương, thiết lập giới hạn, và khích lệ đúng cách, cha mẹ có thể giúp con hình thành thói quen sử dụng điện thoại một cách lành mạnh và có kiểm soát.
TỊNH LÂM