Thường xuyên nuốt nghẹn có phải là bệnh?

Thứ Sáu, 13/09/2024, 17:28 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi 67 tuổi, gần đây tôi thường xuyên nuốt nghẹn khi ăn, kể cả các loại thức ăn loãng nhão, nhưng không đau. Xin bác sĩ cho biết đó có phải là bệnh không và tôi nên làm gì để hết nghẹn.

(tiengiang@...)

Trả lời: Nuốt nghẹn không phải là bệnh lý nhưng được xem là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nguy hiểm về đường tiêu hóa nếu triệu chứng này lặp đi lặp lại, kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần và có xu hướng tăng dần lên. 

Khi ăn, thức ăn sau khi nhai sẽ được đẩy ra sau họng, gây kích thích các thụ thể cảm nhận, tạo ra phản xạ nuốt, đẩy nó xuống thực quản. Tiếp theo, nhờ sự co bóp của cơ thực quản, thức ăn đi xuống dạ dày. Ở người bình thường, quá trình này diễn ra suôn sẻ nhưng nếu vì một lý do nào đó, thức ăn bị đọng lại tạm thời hay tắc nghẽn trên đường xuống dạ dày sẽ gây ra tình trạng nuốt nghẹn.

Triệu chứng của việc nuốt nghẹn bao gồm: Cảm thấy thức ăn bị kẹt lại tại cổ họng hoặc ở ngực, đau khi nuốt, không thể nuốt được, chảy nước dãi, khàn tiếng, nôn, ợ chua, ho khan…

Nguyên nhân gây nuốt nghẹn: Y học chia nuốt nghẹn thành 2 dạng. Đó là nuốt nghẹn vùng hầu họng và nuốt nghẹn thực quản. Trong đó nuốt nghẹn vùng hầu họng thường liên quan tới tai mũi họng, xảy ra khi cơ vùng họng bị suy yếu khiến thức ăn khó di chuyển từ miệng vào cổ họng, thực quản khi bắt đầu nuốt. Nguyên nhân thường do rối loạn thần kinh thực vật hoặc thần kinh bị tổn thương do đột quỵ, chấn thương não, chấn thương tủy sống. Ngoài ra một số bệnh ung thư như ung thư vòm họng và các phương pháp điều trị ung thư cũng có thể gây ra chứng khó nuốt.

Với nuốt nghẹn thực quản, nó xảy ra khi thức ăn bị mắc kẹt tại cổ họng hoặc tại ngực sau khi nuốt, nguyên nhân có thể do co thắt tâm vị, cơ vòng thực quản dưới không dãn ra khi nuốt, co thắt thực quản lan tỏa, chít hẹp thực quản do có khối u hay mô sẹo, do có dị vật như răng giả, mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, ung thư thực quản, lão hóa do tuổi già…

Vì thế, anh nên đến một cơ sở y tế để được thăm khám. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi một số vấn đề về tình trạng bệnh như tần suất nuốt nghẹn, những triệu chứng kèm theo, tiền sử bệnh tiêu hóa trước đó, những loại thuốc điều trị đang dùng đồng thời bác sĩ cũng có thể cho ông làm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, kiểm tra trở kháng và độ pH để xem anh có bị trào ngược axit dạ dày, thực quản hay không.

Nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ cho làm nội soi ống tiêu hóa, chụp X quang ngực cổ nhằm phát hiện dị vật đường hô hấp, tiêu hóa, chụp cắt lớp để chẩn đoán nếu bác sĩ nghi ngờ nuốt nghẹn là do khối u ung thư. Tiếp theo, tùy vào nguyên nhân, anh sẽ được điều trị bằng thuốc hoặc nong thực quản, hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u…

Về phòng ngừa, hiện vẫn chưa có phương pháp nào ngừa chứng nuốt nghẹn. Để giảm thiểu, người bị nuốt nghẹn cần thay đổi cách ăn uống như không cố cho nhiều thức ăn vào miệng, khi ăn nên nhai kỹ, nuốt từ từ. Trước khi ăn nên cắt nhỏ các loại thức ăn có tính dai, nhầy. Nếu bị nghẹn rồi thấy khó thở, tuyệt đối không dùng tay móc thức ăn ra vì có thể sẽ đẩy thức ăn vào sâu hơn, làm nghẽn đường thở. Có thể tự chữa bằng cách đứng thẳng, lưng khom, đầu hơi ngước lên và nhờ người vỗ mạnh vào lưng, vùng gần bả vai nhưng nếu làm vài lần mà không giảm thì cần đến ngay các cơ sở y tế.

Bs NGUYỄN THỊ PHƯƠNG MAI

;
.