Kinh tế khá giả, vợ đẹp, con ngoan, song không ít cặp đôi vẫn phải đối mặt với những mâu thuẫn, bất hòa do người chồng tự ti, mặc cảm về một khía cạnh nào đó mà họ cảm thấy thua xa người vợ. Dần dần, sự tự ti có thể trở thành “sát thủ thầm lặng” của hôn nhân.
Khi chồng có tâm lý mặc cảm, tự ti, bản thân người vợ cần biết vì sao ông xã trở nên như thế để có những hành vi phù hợp, xóa bỏ mặc cảm và giúp anh ấy cân bằng tâm lý. |
Mặc cảm vì thua kém vợ
Một điều tra của các nhà xã hội học châu Á cho thấy, hơn 35% ông chồng trong gia đình hiện đại mắc chứng tự ti về bản thân và không hài lòng với vị trí của mình trong chính tổ ấm. Những nguyên nhân chính gây ra sự tự ti thường là do người đàn ông phải "đi ở rể", vợ có nghề nghiệp "oai'' hơn chồng, vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng, vợ có học vấn cao hơn chồng…
Chị Thanh Nhàn (35 tuổi), kế toán trưởng của một cơ quan Nhà nước tại TP.Vũng Tàu, còn anh Bảo Huy (39 tuổi), chồng chị chỉ là công nhân cơ khí. Anh chị có 2 con, 1 trai 1 gái đều chăm ngoan và học giỏi. Kinh tế ổn định, nhà cửa, xe cộ đầy đủ. Anh Huy cũng không rượu chè, không cờ bạc, chỉ chú tâm cho gia đình, luôn giúp đỡ chị Nhàn việc nhà và chăm con. Ấy thế mà gia đình vẫn gặp nhiều sóng gió bởi anh Huy luôn nghĩ bản thân mình thua kém vợ về mọi mặt.
Chị Nhàn kể, khoảng thời gian mới cưới, thu nhập hai người gần bằng nhau thì gia đình êm ấm, hạnh phúc. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, chị Nhàn dần có chỗ đứng trong cơ quan, đồng nghĩa với mức thu nhập ngày càng cao, đến nay đã gần gấp đôi thu nhập của anh Huy. Cũng vì ý thức đàn ông quá lớn và mặc cảm vì thua vợ trong việc kiếm tiền đã khiến anh Huy tự ti đến quá mức. Anh luôn tỏ vẻ khó chịu, “bắt ne, bắt nẹt” vợ từng cử chỉ đến lời nói. Chị lỡ lời một chút là anh gầm lên: “Phải rồi, cô giỏi...”.
Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng nhiều khi chị Nhàn đi học thạc sĩ. Anh cạnh khóe chị rằng: “Cô chắc muốn học cao để chứng tỏ mình tài giỏi, để thiên hạ thấy tôi ít học, còn cô thì nhiều chữ chứ gì?”. “Lẽ ra gia đình là nơi nương tựa, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt nhọc, thì giờ đây, mình cứ phải canh chừng lời ăn tiếng nói, sợ chồng giận”, chị Nhàn buồn bã nói.
Tương tự, chị Tuyết Mai (31 tuổi), trưởng nhóm kinh doanh của một hãng xe ô tô có chi nhánh ở TP.Vũng Tàu cũng mang nỗi khổ chồng ghen, mà nguồn cơn là do anh tự ti bởi anh Minh, chồng chị chỉ là một nhân viên lái xe taxi. Mỗi khi đi đám, đi tiệc, trong bàn có bạn bè, đồng nghiệp của vợ là anh lại tự “dìm hàng”, rằng mình chỉ là “thằng lái xe” quèn.
Không chỉ tự chế giễu mình, hễ chị Mai có giao tiếp với cấp trên hay bất kỳ người đàn ông nào, anh lại… hờn mát, nói lẫy, thậm chí nổi giận, ghen tuông rồi bỏ về giữa chừng. Thậm chí có lần chị Mai ký được hợp đồng khá lớn nên được lĩnh khoản hoa hồng hậu hĩnh, chị ngỏ ý dành số tiền ấy cho cả nhà đi du lịch Phú Quốc để hâm nóng tình cảm vợ chồng. Thế nhưng vừa mở miệng, anh Minh đã buông thõng: “Thôi ở nhà cho lành. Tôi chỉ là một thằng lái xe quèn, đi theo cô chỉ làm cô xấu mặt thôi”.
Lâu dần, những trận ghen tuông dẫn đến cãi vã giữa hai vợ chồng xảy ra ngày càng nhiều. Chán cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, chị Mai quyết định ly hôn cho nhẹ gánh.
Giúp chồng chuyển tự ti sang tự tin
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt cho biết, theo quan điểm xã hội xưa, đàn ông đều có tư tưởng họ phải là trụ cột gia đình, làm chủ về tài chính cũng như đưa ra các quyết định quan trọng. Tư tưởng này gần như ăn sâu vào tâm trí họ khiến họ tự đặt ra áp lực rằng khi lập gia đình mình cũng phải là người có tiếng nói trong nhà. Chính vì vậy, khi chưa có cơ hội và cũng có thể bản thân không có khả năng trên con đường công danh, sự nghiệp, người chồng luôn mang mặc cảm mình là người bất tài, vô dụng. Họ bực tức, mâu thuẫn với bản thân, từ đó trút sự bực dọc lên người vợ và con cái.
Khi rơi vào hoàn cảnh này, trước hết, người vợ phải biết cách cư xử khéo léo và tinh tế. Bản thân người vợ cần biết vì sao ông xã trở nên như thế để có những hành vi phù hợp, xóa bỏ mặc cảm và giúp anh ấy cân bằng tâm lý. Đặc biệt nên tránh đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như tài chính, công việc, nhất là về thành công của người khác… để tránh bùng phát mâu thuẫn.
Thêm vào đó, người vợ nên thể hiện sự tôn trọng, đề cao vai trò của chồng trong gia đình. Không nên tỏ thái độ sai bảo, yêu cầu chồng làm những công việc nhỏ nhặt. Nếu có, hãy để anh ấy thực hiện tự nguyện. Người vợ cũng đừng tiếc lời khen chân thật và động viên khuyến khích chồng. Không chỉ khen trước mặt anh ấy, hãy tận dụng cơ hội khen chồng trước mặt bạn bè của hai người.
Ngoài ra, người vợ cũng cần tạo điều kiện để chồng thể hiện vai trò trụ cột của mình bằng cách luôn tham khảo ý kiến anh ấy trong những quyết định quan trọng. Như thế sẽ tạo cho anh ấy cảm giác mình không hề thua kém vợ, từ đó xóa bỏ tâm lý tự ti, dần có suy nghĩ lạc quan, tích cực và tự tin hơn vào chính mình.
THẢO NGUYÊN