.

Những người đi xin đáng quý

Cập nhật: 17:22, 27/09/2024 (GMT+7)

Xin ăn, khất thực, ăn mày, cái bang là những hoạt động xin để ăn, trong khi việc đi xin không chỉ nhằm mục đích cá nhân, mà còn có thể là để trao lại cho người khác, thể hiện tinh thần từ thiện.

Bà Mai Ngọc Oanh, Chủ tịch UB. MTTQVN TP.Vũng Tàu tiếp nhận quyên góp.
Bà Mai Ngọc Oanh, Chủ tịch UBMTTQVN TP.Vũng Tàu tiếp nhận quyên góp.

Ăn xin và đi xin

“Ăn mày là ai, ăn mày là ta - Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Đây là những người phải xin ăn do hoàn cảnh khốn cùng, là tình thế bắt buộc không ai mong muốn. Ở mọi giai đoạn lịch sử, từ thời đất nước khó khăn cho đến khi đời sống được cải thiện như ngày nay, vẫn còn những người ăn xin. Họ không bị xã hội xua đuổi, mà còn gợi lên lòng trắc ẩn của nhiều người. Thậm chí, có thời kỳ vào những năm 80 của thế kỷ trước, một số làng coi ăn mày như một nghề, một tập tục mang ý nghĩa nhân văn, giúp cứu sống nhiều sinh mạng trong thời kỳ đói kém. Với quan niệm dân gian, ăn xin không chỉ là một hành động đơn thuần mà còn là cách để trải nghiệm sự khổ đau của cuộc sống, rèn luyện bản thân, và được xem như một hành vi văn hóa.

Còn với những người tu hành, việc đi khất thực là một triết lý hành đạo, là hiện tượng văn hóa mang tinh thần nhân bản. Hình ảnh nhà sư khất thực, đặc biệt trong Phật giáo Nam tông, là một truyền thống mang đậm ý nghĩa nhân đạo. Họ không chỉ xin để duy trì cuộc sống mà còn để khơi gợi lòng từ bi, nhân ái của người đời. Khất thực trong đạo Phật là một nghi thức thiêng liêng, đi kèm với những quy tắc cụ thể, và những người bố thí cũng trang trọng trong hành động của mình.

Bà con vùng lũ huyện Mường La, Sơn La nhận hỗ trợ từ Quỹ từ thiện Tịnh xá Ngọc Đức.
Bà con vùng lũ huyện Mường La, Sơn La nhận hỗ trợ từ Quỹ từ thiện Tịnh xá Ngọc Đức.

Tuy nhiên, không phải ai xin ăn cũng vì mục đích chính đáng. Một số người giả dạng ăn xin, thậm chí giả tu hành, đóng vai tàn tật, để lợi dụng lòng thương hại của người khác. Một số còn lợi dụng những con người có hoàn cảnh đáng thương để tổ chức các đường dây ăn xin, nhằm trục lợi cho bản thân. Đây là hành động đáng lên án.

Từ “đi xin” mang nhiều nghĩa. Ở đây, xin dùng thuật ngữ này để tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng của các cá nhân và tổ chức thông qua hoạt động từ thiện. Để quyên góp, họ phải vận động, kêu gọi tinh thần thiện nguyện của mọi người. Thiện nguyện là hành động tự nguyện, không bị ép buộc hay đòi hỏi phần thưởng, mà chỉ nhằm mục đích giúp đỡ người khác, mang lại giá trị cho bản thân và xã hội. Các hình thức thiện nguyện rất đa dạng, từ hỗ trợ vật chất như tiền bạc, thực phẩm, đến hỗ trợ tinh thần qua việc thăm hỏi, động viên, hoặc tham gia vào các hoạt động cộng đồng như xây dựng nhà tình nghĩa, dọn vệ sinh môi trường...

Thiện nguyện là sự phát tâm. Người làm thiện nguyện có thể trao tặng trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức trung gian để hỗ trợ nhiều đối tượng hơn. Việc từ thiện không chỉ là hành động cá nhân mà còn cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức để đảm bảo tính hiệu quả, kết nối nhiều người chung tay giúp đỡ.

Đi xin vì cộng đồng

Trong những năm qua, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều hoạt động từ thiện được tổ chức bởi các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở tôn giáo và các cá nhân nhằm giúp đỡ người nghèo, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ người yếu thế. Những người đi xin cho mục đích này đáng được tôn vinh, vì họ đại diện cho sự kết nối lòng nhân ái của cộng đồng với những người cần giúp đỡ.

Họ là cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm và những hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Vũng Tàu đã quyên góp được hơn 1.200 tỷ đồng, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và cải thiện đời sống.

Hiện nay, khi bà con miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của thiên tai, những người “đi xin” như sư cô Thích Nữ Tiến Liên, trụ trì Tịnh xá Ngọc Đức, Vũng Tàu, đang nỗ lực quyên góp để giúp đỡ các nạn nhân. Những người như chị Lê Thị Thu Minh ở phường 8, Vũng Tàu, cũng tự nguyện kêu gọi quyên góp và nhận được sự tin tưởng từ cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những người đi xin đáng quý, vẫn có những trường hợp lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi, phục vụ mục đích cá nhân. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh cao quý của những người làm thiện nguyện chân chính. Do đó, chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn về từ thiện, để bảo vệ sự trong sáng và giá trị nhân văn của nó.

HOÀNG ĐÌNH KÊ

(Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Vũng Tàu)

.
.
.