Nhọc nhằn nghề công nhân, kỹ sư cầu đường
Với hàng chục dự án giao thông lớn đang được triển khai, hàng ngàn công nhân và kỹ sư cầu đường đang ngày đêm hối hả làm việc, vượt qua mọi khó khăn để đảm bảo tiến độ dự án.
Nắng trên đầu, nhựa nóng dưới chân
Những ngày này, khi mùa mưa đến, thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn với những cơn mưa nắng thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tiến độ công trình. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, các nhà thầu phải tranh thủ những lúc trời nắng ráo, huy động tối đa nhân công và máy móc để thi công.
Anh Đinh Văn Trình, cán bộ phụ trách kỹ thuật tại dự án nâng cấp sửa chữa đường Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT994), vừa hoàn thành một đoạn thảm thử mặt đường, lau vội giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm nắng và chia sẻ: “Dù thiết bị phục vụ thi công cầu đường ngày càng hiện đại, giúp giải phóng sức lao động, nhưng vai trò của người công nhân vẫn là yếu tố quyết định hiệu quả công việc. Với những người gắn bó với nghề, việc đối mặt với cảnh “nắng trên đầu, nhựa nóng dưới chân” đã trở thành một phần không thể thiếu”.
Công việc ban đêm tuy vất vả nhưng anh Nguyễn Công Tí, công nhân lái xe rùa tại dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu luôn tự hào khi nhìn tuyến đường sắp hoàn thành. |
Tại dự án xây dựng cầu Cửa Lấp 2, anh Lê Thành Hưng, thợ hàn, cho biết anh cùng 120 công nhân khác đã làm việc tại đây suốt 14 tháng. Dù mưa hay nắng, công nhân phải chia ca làm việc 24/24h để đảm bảo tiến độ. Công việc ban ngày vốn đã vất vả vì mưa nắng, nhưng thi công ban đêm còn khó khăn gấp bội khi phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn. Các biện pháp bảo hộ và giám sát an toàn được tăng cường tối đa để đảm bảo an toàn lao động.
“Dù công việc mệt mỏi, nhưng khi thấy từng mét đường dần hoàn thành, tôi cảm thấy rất tự hào. Mỗi đoạn đường, mỗi viên đá đều là kết quả của mồ hôi và công sức của biết bao nhiêu người. Công việc không chỉ là cách mưu sinh, mà còn mang theo hy vọng về những tuyến đường hiện đại, giúp kết nối và phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,” anh Nguyễn Công Tí, công nhân lái xe rùa tại dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, chia sẻ.
Lán, trại là nhà
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, anh Trần Quốc Đông, Chỉ huy trưởng gói thầu số 21 của dự án ĐT994 thuộc Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, cho biết: “Công nhân và kỹ sư cầu đường không chỉ đối mặt với sự vất vả mà còn chịu nhiều thiệt thòi. Thiệt thòi lớn nhất chính là phải sống xa gia đình trong các lán trại suốt năm. Mặc dù lán trại có đầy đủ tiện nghi cơ bản, nhưng không thể so sánh với sự thoải mái của một ngôi nhà thực sự”.
Công nhân cầu đường thường xuyên phải di chuyển đến các công trường khác nhau, với không gian sống vô cùng hạn chế. Dù biết rằng những hy sinh này là cần thiết để hoàn thành các công trình quan trọng, nhưng nỗi nhớ nhà và gia đình luôn hiện hữu. Đây chính là thử thách lớn đối với họ trong suốt quãng thời gian sống xa nhà.
Theo anh Đông, tại các dự án giao thông trọng điểm, hơn 90% công nhân đến từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Công việc yêu cầu họ phải xa nhà trong thời gian dài, với những dự án kéo dài từ 2-5 năm. Có người chỉ về thăm quê 1-2 lần mỗi năm, thậm chí người may mắn mới có thể về nhà mỗi 1-2 tháng.
Cuộc sống của những người công nhân và kỹ sư cầu đường là chuỗi ngày “nay đây mai đó”, với mỗi nơi đều trở thành nhà tạm bợ. Mong muốn lớn nhất của họ là được dành những phút giây bên gia đình, vợ con và bạn bè. Tuy nhiên, đôi khi điều ước ấy trở nên xa xỉ.
“Ngày làm việc bận rộn, nhưng buồn nhất là mỗi tối về, thèm một bữa cơm gia đình, thèm nghe tiếng cười con trẻ…”, anh Nguyễn Văn Khánh, công nhân tại dự án đường Long Sơn-Cái Mép, chia sẻ.
Dù công việc vất vả và nhiều hy sinh, những người công nhân và kỹ sư cầu đường vẫn luôn giữ niềm tin và hy vọng vào tương lai. Trong ánh mắt họ là sự tự hào và niềm tin rằng những nỗ lực hôm nay sẽ mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả họ và cộng đồng.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN