Nguyên nhân và cách điều trị bệnh chàm

Thứ Sáu, 20/09/2024, 18:48 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi có đứa con 4 tuổi, khoảng 6 tháng nay nó nổi những mảng đỏ, sần sùi trên khuỷ tay, khuỷ chân, cổ và lưng, đêm nào nó cũng không ngủ được vì ngứa. Nhiều người quen nói nó bị chàm. Vậy nhờ bác sĩ giải thích nguyên nhân của bệnh này và có thể chữa lành được không?

(nguyengiang@gmail...)

Chàm viêm da dị ứng và chàm đồng xu.
Chàm viêm da dị ứng và chàm đồng xu.

Trả lời: Chàm là bệnh về da rất phổ biến, thường gặp ở trẻ sơ sinh, thiếu niên và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nó biểu hiện bằng những mảng màu hồng hoặc đỏ, đôi khi là màu nâu trên da, hầu hết ở nếp gấp mặt trước khuỷ tay, nếp gấp mặt sau đầu gối, bắp chân, cổ, lưng, nếp gấp cổ tay… sờ vào thấy nhám và rất ngứa, nhất là về đêm.

Phần lớn các mảng chàm thường khô, khác với chàm ướt do nhiễm trùng vì gãi hoặc vì đắp một số loại lá cây theo truyền khẩu…

Chàm được chia thành nhiều loại như: chàm viêm da dị ứng, chàm đồng xu, chàm phản ứng thứ phát, chàm bàn tay, chàm tổ đỉa…, trong đó chàm viêm da dị ứng là loại bệnh phổ biến nhất, nguyên nhân gây dị ứng cũng rất nhiều, chẳng hạn như dị ứng thịt bò, gà, cá ngừ, trứng, phấn hoa, bụi bặm, sương mù, xà bông tắm, mùi của một số hóa chất, kể cả nước hoa…

Chàm tổ đỉa: Bệnh ít phổ biến nhưng khó điều trị, biểu hiện bằng các mụn nước nhỏ li ti ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, rìa các ngón tay, rìa bàn tay… Tiếp đến là chàm đồng xu (hay còn gọi là chàm đồng tiền), chia thành 2 dạng là dạng ướt, biểu hiện bằng những mụn nước tập trung thành đám hình tròn, hình bầu dục và rất ngứa, còn dạng khô là những mảng vảy nhưng dù chàm ướt hay khô, cả hai đều có thể dẫn đến viêm da thần kinh nếu không điều trị kịp thời.

Một dạng chàm nữa cũng không kém phần phiền toái là chàm nhiễm khuẩn. Nó là hậu quả của việc gãi vì ngứa, vệ sinh da không đúng cách, tự ý mua thuốc bôi không theo chỉ định, nhất là những loại thuốc có chất corticoide như: Bethamethason, Prednisolone, Hydrocortisone… Những loại này khi bôi vào, vết chàm sẽ lặn rất nhanh, ngứa cũng giảm rất nhanh nhưng khi ngừng bôi, chàm sẽ tái phát nhiều hơn lúc chưa bôi, dẫn đến bội nhiễm.

Vì vậy, nếu đã bị chàm, chị nên đưa cháu đến gặp bác sĩ Da liễu để được thăm khám, làm các xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị thích hợp. Và mặc dù chàm là bệnh không lây nhưng nó có khả năng di truyền nên nếu cha hoặc mẹ đã từng bị chàm thì cần chú ý đến con cái, nhất là trẻ từ sơ sinh đến khoảng 15 tuổi vì các nghiên cứu cho thấy ở khoảng tuổi này, bệnh chàm do di truyền thường hay xuất hiện.

Để phòng ngừa bệnh chàm, việc đầu tiên là giữ ẩm cho da, nhất là về mùa lạnh hoặc ngủ trong phòng có máy lạnh bằng cách bội các loại kem dưỡng da lên nếp gấp ở mặt trước khuỷu tay, nếp gấp ở mặt sau đầu gối, vùng cổ dưới cằm…, mỗi ngày 2 lần, sáng sớm và buổi tối trước lúc đi ngủ. Cũng có thể thay kem dưỡng da bằng dầu dừa và chỉ cần bôi một lớp rất mỏng. Khi đã xét nghiệm và đã xác định những loại thực phẩm gây dị ứng thì không nên cho người bệnh ăn những thứ này cho đến khi bệnh lành hẳn.

Chàm không phải là bệnh gây nguy hiểm tức thì cho tính mạng nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống, sinh hoạt, làm việc và học tập của người bệnh. Bên cạnh đó, nếu bệnh kéo dài nhiều năm có thể có thể dẫn đến sự phát sinh của một số những bệnh khác, gồm các bệnh tự miễn như tiểu đường, bệnh cao huyết áp, suy tim, các bệnh về mắt như: viêm kết mạc, viêm giác mạc, các bệnh về da như: dày sừng, các bệnh tâm thần kinh như rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm…

Ths, Bs CK2 NGUYỄN VĂN ÚT

;
.