Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết luôn thường trực
Thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn nguy cơ cao bùng phát sốt xuất huyết (SXH). Vì vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế tối đa số ca mắc và ổ dịch tại cộng đồng.
Các ban, ngành, đoàn thể ấp Phước Bình (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) phát tờ rơi tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH. |
Nhiều biện pháp được triển khai
8 tháng đầu năm, phường Thắng Nhất (TP.Vũng Tàu) ghi nhận 37 ca mắc SXH. Tuy số ca mắc có giảm hơn so với năm 2023, nhưng đây vẫn là địa phương có tình hình dịch SXH phức tạp ở TP.Vũng Tàu. Phường có diện tích rộng, dân cư đông đúc với hơn 40 ngàn người, nhiều bãi đất trống và công trình thi công, ao hồ… là những nguy cơ khiến địa phương ghi nhận nhiều ca mắc SXH trong thời gian qua.
Để khống chế các ổ dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh SXH, trong 2 ngày 28/8 và 4/9, phường Thắng Nhất đã tổ chức phun hóa chất trên diện rộng tại một số tổ của KP.5,7,11. Ngoài ra, phường còn huy động cả hệ thống chính trị như đoàn viên thanh niên, phụ nữ, mặt trận, y tế, các tổ dân cư… dọn dẹp vệ sinh, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân và loại bỏ các vật dụng chứa nước để phòng, chống SXH.
Dự báo, thời điểm này mưa nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi để lăng quăng phát triển, gây bệnh SXH. Phường Thắng Nhất tiếp tục tuyên truyền, vận động để mỗi người dân, mỗi gia đình nâng cao nhận thức, có trách nhiệm với cộng đồng chung tay phòng, chống SXH.
“Chúng tôi sẽ gắn trách nhiệm các tổ chức chính trị, khu phố, tổ dân cư trong tuyên truyền, xử lý triệt để các loại chai lọ, dụng cụ chứa nước trong khu dân cư để không có phát sinh lăng quăng sinh nở thành muỗi”, ông Trần Văn Trìu, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Nhất nói.
Xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) tuy chỉ ghi nhận 5 ca mắc SXH trong 8 tháng đầu năm 2024, song địa phương vẫn tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống SXH. Trong đó, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức như tại các cuộc họp, sinh hoạt, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, nhóm zalo các ấp, tổ dân cư thực hiện biện pháp phòng SXH.
Đồng thời huy động các lực lượng thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, úp các dụng cụ chứa nước, đồng thời vận động các gia đình giữ gìn nhà cửa sạch sẽ.
Mặt khác, xã Phước Tỉnh đã phát huy tốt vai trò các ban ngành của các ấp. Ông Trần Công Hùng, Phó Bí thư Chi bộ ấp Phước Bình (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho hay: “Hàng tuần, chúng tôi thành lập đoàn gồm nhiều lực lượng đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền cho bà con các biện pháp phòng, chống dịch. Qua đó, để người dân nâng cao nhận thức, chung tay thực hiện công tác phòng SXH, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng”.
Không có lăng quăng, không có SXH
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 1/9, toàn tỉnh ghi nhận 811 ca mắc SXH, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2023; giảm 28,1% so với trung bình 5 năm (2016-2021). Toàn tỉnh phát hiện 359 ổ dịch, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Tuy nhiên, CDC tỉnh khuyến cáo, các địa phương, người dân không chủ quan, cần phải nâng cao cảnh giác với loại bệnh này. Bởi giai đoạn này thời tiết mưa nhiều nên nguy cơ bùng phát dịch SXH trên diện rộng vẫn có khả năng xảy ra.
Đồng loạt ra quân chiến dịch diệt lăng quăng
Sáng 10/9, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức lễ phát động chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), zika đợt 2 năm 2024.
Thực hiện chiến dịch này, mỗi địa phương đã huy động hàng trăm người gồm lực lượng y tế, hội viên hội phụ nữ, quân sự, đoàn thanh niên, khu phố, thôn, ấp, người dân cùng tham gia vào các hoạt động phòng, chống SXH. Trong đó, đội ngũ này đã dọn dẹp vệ sinh môi trường; đổ, súc rửa và đậy kín các dụng cụ chứa nước; phát quang bụi rậm; thu dọn đồ vật đọng nước... tại các khu vực dân cư. Đồng thời, tuyên truyền, vận động và phát tờ rơi đến các hộ gia đình để người dân nâng cao ý thức, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH để ngăn chặn bệnh SXH.
Trong sáng 10/9, Sở Y tế đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXH tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế và hướng dẫn các biện pháp khắc phục để chủ động triển khai công tác phòng, chống SXH đạt hiệu quả và đúng quy định.
|
Trong khi đó, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng ngừa, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh. Do đó, thực hiện các biện pháp phòng, chống vẫn là giải pháp hiệu quả, dễ làm và ít tốn kém. Với phương châm “Không có lăng quăng- Không có muỗi vằn, không có SXH”, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Đối với SXH, phòng bệnh hơn chữa bệnh nên mỗi ngày, mỗi gia đình chỉ cần dành thời gian 10-15 phút để dọn dẹp nhà cửa, tạo môi trường sống trong lành, thoáng đãng để không có lăng quăng sản sinh thành muỗi gây bệnh SXH.
Mặt khác, các trường học trên địa bàn tỉnh, nhất là trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ cần bảo đảm vệ sinh, thông thoáng lớp học, thường xuyên tổng vệ sinh trường học, khơi thông cống rãnh khu vực xung quanh trường học. Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của HS, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh SXH để phối hợp với ngành y tế trong công tác điều trị, xử lý ổ dịch nhằm nâng cao sức khỏe cho HS.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM