Trước sự xuất hiện của nhiều ca bệnh sởi, các cấp, ngành ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh và bảo vệ sức khỏe người dân.
Giáo viên và HS Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP.Vũng Tàu) đeo khẩu trang khi đến trường. |
Ngăn chặn bệnh sởi lây lan cho HS
Ngày 13 và 14/9, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP.Vũng Tàu) có 2 HS được phát hiện mắc bệnh sởi. Trạm Y tế (TYT) phường 10 phối hợp với trường khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin B toàn bộ bàn ghế, sàn nhà trong phòng học và ngoài hành lang của 2 lớp học có HS mắc sởi. Việc này được trường thực hiện 2 lần/ngày từ đó đến nay. Trường yêu cầu HS 2 lớp học này đi học phải đeo khẩu trang, khử khuẩn tay trước khi vào lớp. Giáo viên theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của HS, nhất là những em có dấu hiệu sốt, ho, đau họng
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình cho biết, trường có gần 2.620 HS nên lo ngại bệnh sởi có thể lây lan cho học trò. Vì thế, nhà trường tăng cường thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh. Các lớp đều trang bị nước khử khuẩn, nước lau sàn để làm sạch không gian lớp học; khẩu trang, nước uống phục vụ HS. 15 phút sinh hoạt đầu giờ, giáo viên chủ nhiệm chiếu video clip tuyên truyền về phòng, chống bệnh sởi, nhắc nhở HS thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đồng thời, gửi thông tin liên quan đến bệnh sởi trên nhóm zalo của lớp để giáo viên phối hợp với phụ huynh nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp HS có dấu hiệu mắc bệnh sởi, đưa đi điều trị kịp thời.
“Nhân viên y tế trường còn rà soát tình hình tiêm vắc xin sởi trong toàn bộ HS. Qua đó, tuyên truyền và vận động phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin để phòng bệnh”, bà Tuyết Minh nói thêm.
Ngày 22/9, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP.Vũng Tàu) ghi nhận 1 trường hợp HS nữ khối 6 mắc bệnh sởi. Sau khi phát hiện ca bệnh, TYT phường Rạch Dừa đã cấp dung dịch Cloramin B để nhà trường khử khuẩn hàng ngày ở phòng học có HS nhiễm bệnh. Nhà trường rà soát có 5 HS tiếp xúc gần với ca bệnh. Các em này được giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh theo dõi sức khỏe chặt chẽ. HS của lớp có nữ sinh mắc bệnh sởi phải mang khẩu trang khi đến trường. Với các lớp học khác, Trường THCS Ngô Sĩ Liên tăng cường truyền thông về bệnh sởi bằng nhiều hình thức như phát thanh trên hệ thống loa vào giờ ra chơi; treo tranh ảnh, áp phích tại góc truyền thông giáo dục sức khỏe; gửi video clip, tờ rơi tuyên truyền đến phụ huynh, HS. Trường tổ chức tổng vệ sinh vào sáng thứ Bảy, lau cửa kính, tay nắm, lớp học bằng nước sát khuẩn.
Bà Lê Thị Hoài Thư, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết, nhà trường cập nhật số lượng HS nghỉ học hàng ngày, lý do nghỉ học. Khi phát hiện HS có dấu hiệu sốt, GV phải cho HS nghỉ học, báo ngay cho phụ huynh để đưa con em đi khám, đồng thời gửi thông tin HS cho TYT phường.
9 tháng năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 36 ca sốt phát ban nghi sởi và và 36 ca mắc bệnh sởi-rubella, tăng 43 ca so với cùng kỳ năm ngoái. |
Tăng cường giám sát tại cộng đồng
Từ ngày 1/9 đến 15/9, TX.Phú Mỹ ghi nhận 3 ca mắc bệnh sởi, đều là trẻ em. TTYT thị xã cử nhân viên đến nhà bệnh nhân để điều tra dịch tễ, xử lý dịch theo quy định. Kết quả điều tra, chưa xác định nguồn lây sởi ngoài cộng đồng tại nơi người bệnh sinh sống cũng như học tập. Theo ghi nhận, những ca này tản phát, không có yếu tố dịch tễ liên quan đến nhau. Trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh có sức khỏe ổn định, chưa phát hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh sởi. Trung tâm thực hiện khử khuẩn tại các khu vực, đồ vật có liên quan đến người bệnh; hướng dẫn người nhà cách ly bệnh nhân 7 ngày có đeo khẩu trang kể từ khi phát ban. TTYT Phú Mỹ thực hiện tuyên truyền đến từng hộ gia đình về cách nhận biết và biện pháp phòng bệnh sởi nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh ra cộng đồng.
9 tháng đầu năm 2024, TP.Vũng Tàu ghi nhận 41 ca mắc sởi-rubella, trong đó có 22 ca xác định mắc bệnh sởi. TTYT thành phố yêu cầu các TYT tăng cường giám sát phát hiện kịp thời các ca nghi ngờ, mắc sởi trong cộng đồng. Phường 10, 11, 12 có nhiều ca bệnh cần đẩy mạnh hoạt động giám sát dựa vào sự kiện tại khu vực có ca mới xuất hiện và nhân viên y tế phường phải thực hiện hàng ngày.
TTYT TP.Vũng Tàu còn yêu cầu TYT xã, phường điều tra, rà soát và lập danh sách trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm, hoặc tiêm chưa đủ vắc xin phòng bệnh sởi. Từ đó, trạm phối hợp với các tổ dân cư, trường học tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng. Ngày 28/9, các TYT ở TP.Vũng Tàu đã tổ chức tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ.
Nhằm chủ động phòng, chống và ứng phó với bệnh sởi, Sở Y tế yêu cầu đơn vị liên quan củng cố hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, chú trọng phát hiện ca bệnh sớm tại nhóm trẻ, trường mầm non. Cơ sở khám, chữa bệnh chủ động phát hiện các trường hơp sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu huyết thanh gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh sởi. Đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng và tử vong.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG