Những năm gần đây, lối sống công nghiệp cộng với chế độ ăn uống không hợp lý, ít vận động thân thể đã dẫn đến hiện tượng gia tăng bệnh tiểu đường, không chỉ với người lớn tuổi mà ngay cả với người trẻ tuổi. Đây là bệnh chưa thể chữa lành, nhưng có thể kiểm soát hiệu quả.
Vết loét lâu lành và có thể có biến chứng dẫn đến phải cắt cụt là một trong những điển hình của bệnh tiểu đường. |
Tiểu đường là bệnh gì?
Tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh mà lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin do tuyến tuỵ tiết ra, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Thông thường, khi chúng ta ăn, uống những thức ăn có chứa đường như bánh kẹo, nước ngọt, cơm, một số loại như sầu riêng, xoài, mía…, thì cơ thể sẽ chuyển hóa những chất đường này, bao gồm đường mantoz (có trong mạch nha, mầm lúa gạo), đường saccaro (có trong mía), fructo (có trong mật ong, trái cây), lactose (có trong sữa), polisaccarit (đa đường, có trong cơm, các loại tinh bột) thì insulin sẽ làm nhiệm vụ biến những loại đường này thành đường gluco để cơ thể có thể hấp thu nhưng vì một số lý do nào đó, insulin không thực hiện được chức năng chuyển hóa, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao rồi bài tiết ra theo nước tiểu.
Những dấu hiệu của bệnh tiểu đường
Y học chia bệnh tiểu đường thành 2 loại: Đó là tiểu đường dạng (type) 1 mà nguyên nhân là do tuyến tuỵ không sản xuất được insulin, còn tiểu đường dạng (type) 2 do tuyến tuỵ vẫn sản xuất isulin nhưng cơ thể đề kháng với nó khiến nó không thực hiện đủ chức năng chuyển hóa.
Khác với tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 rất khó nhận biết. Chỉ đến khi nó bộc lộ những tổn thương và nếu đi thăm khám, làm các xét nghiệm thì người bệnh mới biết mình bị tiểu đường.
Tuy nhiên, dù là type 1 hay type 2, bệnh tiểu đường vẫn có một số dấu hiệu chung, xảy ra rất sớm. Đó là mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên, khô miệng, khát nước, mau đói, thèm ngọt, có thể có những cơn ngứa râm ran trên da, mắt nhìn mờ, sụt cân bất thường nhưng đi tiểu nhiều và hay khát nước là dấu hiệu đặc trưng nhất.
Ở người bình thường, trung bình mỗi ngày uống khoảng 1,5 đến 2 lít nước, đi tiểu từ 4 đến 7 lần nhưng với người tiểu đường, số lần đi tiểu có thể lên đến 15 hoặc 20 lần, dẫn đến cái vòng luẩn quẩn: Uống nhiều, tiểu nhiều rồi lại uống nhiều.
Với người bị tiểu đường type 1, các triệu chứng nêu trên xảy ra nhanh chóng, chỉ vài ngày hoặc vài tuần còn với tiểu đường type 2, nó diễn ra chậm hơn, đôi khi là vài tháng. Tuy nhiên, có những trường hợp mức đường trong máu tăng cao nhưng qua xét nghiệm, người bệnh chỉ bị tăng đường huyết tạm thời. Nó xảy ra khi người bệnh sử dụng lâu dài một số thuốc gốc corticoide, chế độ ăn có quá nhiều chất đường, tinh bột nhưng lại ít vận động thân thể. Trường hợp này bệnh có thể hết nếu người bệnh ngừng sử dụng thuốc, ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ và tập luyện thể dục, thể thao đều đặn.
Biến chứng của bệnh tiểu đường
Người bị tiểu đường dù type 1 hoặc type 2 đều có thể mắc phải các bệnh liên quan đến nhiễm trùng nấm men do gluco bị nấm men ăn. Nhiễm trùng thường xảy ra ở những bộ phận có nếp gấp như giữa kẽ ngón tay, ngón chân; dưới ngực, trong hoặc chung quanh cơ quan sinh dục vì những vùng đó ấm và ẩm. Bên cạnh đó, nếu bị các vết thương hở dù nhỏ cũng rất khó lành, thậm chí có thể phải cắt bỏ một phần cơ thể.
Ngoài ra người tiểu đường còn bị tê, mất cảm giác - hầu hết ở vùng bàn chân do dây thần kinh bị tổn thương, buồn nôn hoặc nôn ói không tự chủ, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ngưng thở khi ngủ, suy giảm tình dục, mắc phải một số bệnh về tim mạch, huyết áp, thận…
Điều trị tiểu đường
Cho đến nay, y học vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường dù là type 1 hoặc type 2. Do đó nếu bạn thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu như vừa nêu thì nên nhanh chóng đi kiểm tra. Bằng cách đo lượng đường trong máu lúc đói, xét nghiệm HbA1c, bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn đã bị tiểu đường hay chỉ là tăng đường huyết tạm thời.
Với người bình thường, nên kiểm tra sức khỏe tổng quát mỗi năm ít nhất là 1 lần, nhất là với những người mà trong gia đình có thân nhân mắc bệnh tiểu đường vì bệnh này có khả năng di truyền đến thế hệ thứ 3. Thí dụ cha hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường thì 1 trong số những người con cũng có thể bị, còn nếu không thì khi một trong số những người này lấy vợ, lấy chồng, con cái mà họ sinh ra có thể có người bị.
Hạn chế những nguy cơ có thể gây bệnh tiểu đường bằng cách siêng năng vận động thân thể, chọn 1 môn thể dục phù hợp với cuộc sống, công việc và luyện tập hàng ngày, duy trì cân nặng ở mức hợp lý (ví dụ bạn cao 1,65m thì cân nặng hợp lý là từ 55 đến 58kg). Hạn chế sử dụng thường xuyên những thực phẩm làm gia tăng đường huyết nhanh chóng như khoai lang, bánh mì, các loại đường, kẹo, bánh ngọt, nước ngọt, nước mía hoặc mía cây, một số loại trái cây như sầu riêng, mít, xoài, đu đủ, vải, nhãn,...
Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối bao gồm cà muối, dưa muối, mì tôm, xúc xích,... các thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa như nội tạng động vật, thịt mỡ, dầu cọ, dầu dừa hoặc đồ chiên xào.
Khi đã bị tiểu đường, nên tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về chế độ thuốc men, dinh dưỡng. Nếu thấy xuất hiện những vết thương, vết loét không lành thì nên đi khám ngay bởi nếu không, rất dễ dẫn đến trường hợp phải cắt cụt chi hoặc tháo khớp…
Ths, Bs Nội tiết NGUYỄN KHOA NAM